Trận lượt đi họ thua trên sân nhà Johan Cruyff Arena với tỉ số 1 - 2, câu chuyện dường như đã kết thúc. Nhưng cơn “đại địa chấn” đã thực sự diễn ra 3 tuần sau đó, đêm kinh hoàng ở Bernabeu khi Ajax “thảm sát” đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha với tỉ số 4 - 1, bằng màn tỏa sáng rực rỡ của Dusan Tadic, Ajax vào Tứ kết.

Sẽ không có gì to tát hay bất ngờ với các đội bóng châu Âu khác khi họ đạt được thành tích này, nhưng với Ajax thì khác. Hơn 15 năm, chính xác là 16 năm đội bóng này mới được đá thêm một trận tứ kết Cup C1.

Những người yêu bóng đá Việt Nam hẳn còn nhớ thời kỳ hoàng kim của “Cơn lốc màu da cam”, vào thập niên 70 của thế kỷ trước, khi họ trình làng lối bóng đá “tấn công tổng lực” và trở thành một thế lực lớn của bóng đá thế giới.

13264598_2032019.jpgThế hệ vàng của Ajax thập niên 70. Ảnh: Uefa.com

Thời kỳ này của bóng đá Hà Lan gắn liền với thành công của Ajax Amsterdam khi họ trở thành đội thứ 2 trong lịch sử bóng đá châu Âu (cùng với Real Madrid) có 3 chức vô địch Cup C1 liên tiếp những năm 71, 72, 73. Vào cái thời rực rỡ đó, cái tên nổi bật nhất của Ajax mà sau này trở thành huyền thoại của bóng đá thế giới là Johan Cruyff. Năm 1973, J.Cruyff chuyển sang Barcelona - thời kỳ hoàng kim của Ajax cũng chấm dứt.

Thập niên 90, Ajax lại sản sinh ra một loạt cầu thủ “thiên tài” mới, đó là những Bergkamp, Kluivert, Zenden, Davis, Seedorf, Cocu, anh em nhà De Boer…họ đưa lối chơi tổng lực của bóng đá Hà Lan trở lại. Ajax một lần nữa bước lên bục cao nhất của đấu trường Champions League năm 1995 và vào chung kết năm 96. Đội tuyển Hà Lan với nòng cốt là các cầu thủ Amsterdam vào tới bán kết World Cup 1998 tại Pháp.

Nhưng vấn đề của Ajax là họ không thể giữ chân các cầu thủ của mình, những ngôi sao trẻ đang lên sau một vài giải đấu thành công lần lượt chuyển sang các đội bóng lớn hơn ở châu Âu, điển hình là Bergkamp, Clarence Seedorf, Kluivert, hay Marc Overmars. Biết làm thế nào được khi dân số Hà Lan chỉ khoảng 17 triệu người và vì thế không thể thu hút được bản quyền truyền hình hay các hợp đồng quảng cáo. Họ buộc phải chấp nhận trở thành “sân sau” của các đội bóng lớn và là lò đào tạo trẻ cho cả châu Âu.

Ajax vô địch C1 năm 1995. Ảnh: Goal

Đã hơn 10 năm Ajax mới vào tới vòng 1/16 của Cúp C1, tính từ lần gần nhất năm 2005/06. Và đã hơn 15 năm kể từ mùa 2003, Ajax mới được đá thêm một trận tứ kết tại đấu trường này. Khoảng thời gian đó là quá dài cho một thế lực lớn của bóng đá châu Âu.

Thành tích này của Ajax có thể là một dấu hiệu hồi sinh, hoặc có thể chỉ là một cơn bộc phát, nhưng với những người yêu bóng đá Hà Lan thì rõ ràng đây là một điều rất đáng để ăn mừng. Dù có thể ngay sau mùa giải này Ajax lại biến mất trên bản đồ bóng đá châu lục bởi những tài năng mới chớm của họ lại đã lọt vào tầm ngắm của các đại gia châu Âu, và tất cả đều biết rằng chẳng có gì có thể giữ chân những De Light, Onana, Frankie de Jong… ở lại.

Ajax của 2019 là một đội bóng trẻ, với nhiều ngôi sao đang lên và những cầu thủ từng trải nhất của họ chỉ là những Dusan Tadic, Delay Blind hay Klaas - Jan Hunterlaar, một lão tướng năm nay đã 34 tuổi. Nhưng dẫn dắt họ là Erik ten Hag, người đang thiết kế lối chơi của Ajax mang dáng dấp của thời kỳ đỉnh cao của đội bóng bằng cách kết hợp nhuần nhuyễn kinh nghiệm của các lão tướng với tài năng của các cầu thủ trẻ.

Nên nhớ, tại vòng bảng UCL 2018/19 - Ajax chính là đội bóng có hiệu suất tấn công cao nhất trong số 32 đội bóng, hiệu quả dứt điểm của họ đạt tới 60%. Một con số đáng nể.

Năm 1973, Ajax vượt qua Juventus ở trận chung kết cup C1 bằng loạt đá Penalty và kết thúc một chu kỳ rực rỡ bậc nhất của đội bóng. Năm 1996, chính Juventus vượt qua Ajax ở trận chung kết khác, và thêm một thời kỳ hoàng kim khác của Ajax cũng kết thúc.

May rủi thay, lá thăm tứ kết mùa giải 2018/19 lại đưa 2 đội bóng này gặp nhau. Và biết đâu đấy, một thời kỳ rực rỡ mới của Ajax Amsterdam sẽ lại bắt đầu…