Trong lối chơi 3 hậu vệ dưới thời HLV Park Hang-seo tưởng như phong độ của các cầu thủ đá biên mới quyết định đến tỷ số trận đấu, nhưng nhìn lại trận đối đầu với ĐT chủ nhà Thái Lan, người ta phải nghĩ lại.
Sự trở lại ấn tượng
Sau nhiều năm vắng mặt tại ĐT Việt Nam, Tuấn Anh ngay trong lần ra sân đối đầu với ĐT Thái Lan đã trở thành cầu thủ xuất sắc nhất của đội bóng áo đỏ. Đáng kể nhất là khả năng phòng ngự của “chàng Nhô” (nick name của Tuấn Anh) được cải thiện đáng kể, tốt hơn cả Hùng Dũng, chuyên gia đánh chặn.
Ngoài những điểm mạnh lâu nay như tỷ lệ chuyền bóng thành công 31/37 (83,5%) cao nhất đội, số lần gây áp lực trên sân (33), áp lực cầu môn (3) của “chàng Nhô” đều vượt trội đồng đội. Khả năng tắc bóng thành công 7/7, qua người, đánh chặn… của tiền vệ số 14 đều có tỷ lệ thành công lẫn số lần thực hiện cao nhất ĐT Việt Nam.
Tuấn Anh đã trở lại vai trò nhạc trưởng của ĐT Việt Nam. Ảnh: HAGLFC
Thực tế, đây là trận đấu hiếm hoi mà ông Park dùng một quân bài có tiếng mạnh về kỹ thuật hơn là sức mạnh cơ bắp để khắc chế lại những cầu thủ có kỹ thuật tốt của ĐT Thái Lan.
Đúng như Hùng Dũng chia sẻ trong cuộc họp báo mới đây, lần đầu đá cặp với nhau nên sự phối hợp giữa anh và Tuấn Anh ở trận đấu với ĐT Thái Lan chưa thật tốt. Nhưng bằng sự cơ động, Tuấn Anh đã khiến Chanathip Songkrasin, ngôi sao số 1 của bóng đá Thái Lan đang được cho “Messi Thái” tắt điện.
Không những thế, anh còn hỗ trợ hàng hậu vệ kìm chế tiền đạo trẻ Supachok Sarachat. Đã rất lâu, người ta mới thấy Tuấn Anh xoạc bóng, phá bóng trong các tình huống phản công của ĐT Thái Lan. Sự tự tin tăng dần qua từng pha bóng, thậm chí Tuấn Anh còn mạnh dạn phạm lỗi chiến thuật.
Điều tiếp theo mà ông Tan và BHL Malaysia lo lắng là cùng với Việt Phong, Trọng Hùng thì Tuấn Anh là cầu thủ Việt Nam mà đội khách ít có thông tin. Họ chỉ biết Trọng Hùng sẽ là chủ nhân của miếng đánh biên rồi trả ngược (Cutback) cho tuyến 2, còn “chàng Nhô” là tác giả của những cú chọc khe (Through Ball) có cự ly dài.
Lá bài chiến thuật
Trong trận đấu với ĐT Malaysia thì Tuấn Anh là số ít cầu thủ như thủ môn Văn Lâm, trung vệ Quế Ngọc Hải, Trọng Hoàng gần như chắc suất đá chính. Rõ ràng để đối phó với các cầu thủ có kỹ thuật, tốc độ trên hàng công Malaysia như Syafiq (20), cho Safawi Rasid (11), Akhyar Rashid (19) thì nhiều khả năng tiền vệ gốc Thái Bình này sẽ là lá bài chiến thuật của ĐT Việt Nam.
Trong ĐT Việt Nam hiện nay, không ai hiểu Văn Toàn (và cả Công Phượng) bằng Tuấn Anh, đó là điều để chúng ta có thể hy vọng những cú chọc khe từ cự ly trung bình và dài của bộ đôi lò HAGL này. Nếu tấn công tốt nơi biên phải, chúng ta còn khiến cho tầm hoạt động của Safawi Rasid (11) bị thu hẹp lại.
Trong ĐT Việt Nam hiện nay, không ai hiểu Văn Toàn bằng Tuấn Anh. Ảnh: Goal
Lâu nay, sở trường của ĐT Malaysia là đánh biên, dựa nhiều vào những cầu thủ chạy cánh chuyên nghiệp Safawi Rasid (11) và Mohamadou Sumareh (11). Nhưng mới đây trong trận giao hữu với Sri Lanka, ông Tan đã tập miếng đánh để “lão tướng” Norshahrul Idlan (9) di chuyển rộng làm nhiệm vụ quấy phá, thu hút hậu vệ để Syafiq Ahmad (20) chiếm lĩnh khoảng trống ghi bàn.
Rõ ràng, trong lối đá 3 hậu vệ, nếu để Safawi Rasid và Mohamadou Sumareh khoét sâu 2 cánh rồi trả ngược về tuyến 2 thì vai trò của 2 tiền vệ trung tâm được coi là sống còn, quyết định đến tỷ số của trận đấu. Ngay cả đá với đối thủ UAE rất mạnh, ông Tan vẫn không ngần ngại dùng đòn này, bởi 2 tiền vệ biên ngoài tốc độ thì thể lực cũng rất tốt.
Thực tế, trong 3 trận đối đầu với ĐT Malaysia có 2 lần, ông Park đã dùng 2 tiền vệ có xu hướng phòng ngự để bịt khoảng trống trước vòng 16,5m của thủ môn Văn Lâm. Nhưng với việc Tuấn Anh đã thi đấu thành công trước ĐT Thái Lan cho phép ông thầy người Hàn Quốc nghĩ đến phương án, dùng kỹ thuật để đối chọi với kỹ thuật.
Khi Xuân Trường không có mặt, mọi ánh mắt và hy vọng của cổ động viên chúng ta đang dồn về số 14, nhạc trưởng của ĐT Việt Nam trong vài năm gần đây.