(Baonghean) - Xuân về, rẻo cao Tri Lễ (Quế Phong) rực sắc hồng của hoa đào. Những đóa hoa tươi như mọc lên từ đá xanh, thân, cành rêu mốc mang màu vạn cổ. Hoa đào nở báo hiệu mùa của tình yêu “mở cửa”. Dưới gốc đào, tiếng khèn, tiếng đàn môi vương vấn sắc xuân.

Cây đào đã có mặt ở Tri Lễ từ rất lâu, có lẽ là từ khi người Mông định cư tại nơi này. Chuộng đào, trong những cuộc đi tìm miền đất mới, đồng bào Mông vẫn mang theo những hạt giống để rồi ươm xuống. Nơi nào đào nảy mầm sẽ là nơi dừng chân để có thể an cư lạc nghiệp.
 
Đào trồng bên nhà, trên nương, đan xen những mận, những mơ, những ngô, những lúa chen trong lan man đá. Hoa để ngắm cho đẹp, quả thì để ăn. Khi những cơn gió đông lùa qua những sườn núi đá cũng là khi đào bung cánh, báo hiệu xuân về.
 
Đó cũng là thời khắc mùa yêu đương của những nam thanh, nữ tú bắt đầu. Dưới gốc hoa đào, những cô gái  vùng cao ửng hồng đôi má, xúng xính trong trang phục truyền thống đẹp nhất, leng keng vòng bạc, ném những quả còn, chờ những chàng trai tìm đến. Từ dưới gốc đào cổ thụ, tiếng khèn, tiếng đàn môi cứ thế vắt vẻo qua những đỉnh núi, tìm đến những vườn đào non tơ.
images1130880_mu_ng_l_ng_m_a_l__h_i____nh_l__quang_dung__3_.jpgMường Lống mùa lễ hội. Ảnh: Lê Quang Dũng
Anh Xồng Bá Cha, Thường trực Ủy ban MTTQ xã Tri Lễ, Trưởng bản Minh Châu 1 kể: Trước, bà con người Mông Tri Lễ trồng hàng ngàn cây đào nhưng tự phát, để ăn quả, bán quả thôi. Khoảng 7-8 năm trước, thấy người dưới xuôi lên mua cành đào dịp Tết nhiều, có cành bán được 7 - 8 triệu đồng, nên bà con đã biết việc trồng đào có thể bán cành, bán hoa.
 
Thấy người mua tìm đến càng ngày càng nhiều, năm 2012, Đảng ủy xã có Nghị quyết xây dựng mô hình kinh tế trồng cây đào. Chủ trương này được bà con hoan nghênh, hăng hái thực hiện. Hiện nay, đào đã được ươm trồng mới ở 8 bản: Pà Khổm, Piêng Luống, Huồi Mới 1, Huồi Mới 2, Nậm Tột, Huồi Xái 1, Huồi Xái 2 và Mường Lống. Mỗi cây đào mới được trồng, Ban di dân tái định cư huyện Quế Phong và xã Tri Lễ hỗ trợ 30 ngàn đồng tiền giống, phân bón và dây thép gai.
 
Những đỉnh núi ở Pà Khổm cao ngất trời nhưng không có ngọn núi nào cao quá đầu gối người Mông! Bản Pà Khổm với dăm chục ngôi nhà gỗ cũ kỹ, bình dị, hiền hòa nằm trên những ngọn núi đó. Từ lưng chừng nhìn lên, giữa các mảng rừng xanh là những vạt đào tươi sắc trong nắng xuân. Tiết trời dìu dịu, thoang thoảng gió nhẹ lay động miên man hoa lá. Những rừng đào thắm vươn lên từ đồi, đá xám bên nếp nhà gỗ sẫm màu đã là sự bí ẩn, niềm khao khát khám phá đối với nhiều người. Mây ôm ấp núi, thoáng lộ đôi mảng trời xanh, hoa cải rực vàng trong nắng xuân, hoa đào thắm hồng những con đường vào bản điểm vào bức tranh phong cảnh rẻo cao hoang sơ quyến rũ… Hoa đào ở Tri Lễ có 5 cánh giống đào Lào, cánh hoa to, khá dày, có sắc hồng phai, nhụy đỏ tươi. Hoa khoe sắc trên cành dáng tự nhiên, xù xì, màu mốc khoẻ khoắn gợi ý niệm sức sống bất diệt.
 
Lỳ Bá Tểnh - chủ vườn đào ở Pà Khổm mời khách vào nhà uống chén rượu ấm chào xuân, Tểnh bảo: “Hôm nay có khách lên đặt tiền cọc mua đào nên ta phải ở nhà. Bán xong vườn đào, ta mua thêm con bò mới”. Tểnh cho hay: Đào trước cứ để mọc tự nhiên vậy, nhưng giờ đã bán có giá thì phải làm cỏ, chăm sóc để cây tốt, rào lại khỏi trâu, bò phá. Hiện nhà cũng đã ươm trồng thêm 200 gốc đào theo chương trình của xã. Trước bà con trồng, ăn quả xong thì ném hạt lên nương, giờ thì lấy hạt ươm. 300 hạt thì lên được khoảng 200 cây con. Giờ đào trồng là phải chăm bón tỉ mỉ, mỗi khi trời rét đậm hay nắng to là phải túc trực tưới, quây lại khỏi cây đào bị chết…
 
Rời Pà Khổm về trung tâm xã Tri Lễ, bây giờ hàng hóa Tết đã bắt đầu tràn ngập chợ biên. Chỉ vài hôm nữa, đào sẽ được bà con các bản Mông đưa xuống ngập tràn từ các nẻo đường ở đây. Các cành có giá dao động từ 70 ngàn đồng đến vài triệu đồng, người bán đào không sợ ế vì nguồn cung vẫn chưa đáp ứng cầu. Rất nhiều người ở dưới xuôi lên đây tầm đào, mua về biếu bạn bè; người yêu đào rừng, đào mốc thì đánh xe lên mua về chơi tết. Tri Lễ tấp nập những chuyến xe mang hơi xuân đong đầy của núi về miền xuôi. Thiếu tá Đàm Thiên Thương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tri Lễ khẳng định: Cùng với cây chanh leo, mô hình rau sạch, thì mô hình trồng đào đang từng bước giúp bà con Tri Lễ thoát nghèo. 2 năm qua, Đảng ủy đã chỉ đạo các bản trồng thêm được 6.000 gốc đào.
 
Trước khi lập gia đình, rồi xuống định cư tại bản Minh Châu 1, gia đình Xồng Bá Cha ở bản Huồi Mới 1 và hiện bố mẹ anh vẫn ở đó. Từng học Cao đẳng Sư phạm ở Thành phố Vinh 3 năm, nên Cha có ý thức đi đầu, đón trước: Từ năm 2007, Cha đã cùng bố mẹ trồng thêm 1.000 gốc đào. Cha tính toán: Đào trồng 3 năm là cho quả. Trung bình mỗi cây cho 10 kg quả/mùa. Quả đào có giá là 5.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi mùa nhà ta thu được 50 triệu đồng. Cây đào có vòng đời cho quả 20-30 năm, quả ít rồi ta lại chặt đi bán hoa. Quả đào Mông ta trồng ngon lắm, quả chín vào tháng 4, tháng 5 dương lịch, có màu vàng phớt hồng, vị ngọt chua, 6-7 quả được một kg. Vừa rồi bà con ở Huồi Mới 1, 2 cũng vừa trồng thêm 3.000 gốc đào… Thò Bá Pó tự hào: Trước bản Mông ta đã vốn nhiều đào, nay trồng mới thêm nhiều thế là thành xứ vạn đào vậy.
 
Nắng ấm báo hiệu đất trời Tri Lễ vào xuân. Nắng dát vàng những triền đồi để cây đào bừng lên sắc đỏ thắm trên cành cây khẳng khiu sau giấc ngủ đông. Dưới gốc đào, nụ e ấp, cô gái Mông Thò Pa Hoa buông lời rủ rê người về: “Chợ nò pe châu, hảo chớ xênh” (Mời về chơi Tết, uống rượu thi). Ở Tri Lễ, tết của bà con người Mông nay đã trùng với Tết Nguyên đán chung của dân tộc Việt Nam. Tết về, dưới ánh xuân tươi, gió lay động vườn đào, trai gái bản Mông vẫn thường chơi ném còn, đố thi giao duyên. Những chàng trai cô gái Mông chân chất, chén rượu nghĩa tình giao duyên nồng ấm sao mà mời gọi… Tết này, bạn lên xứ vạn đào với ta không?
 
Thanh Sơn - Nhật Lân