Trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm siêu vi C; quan hệ tình dục hay tiếp xúc với dịch của người bệnh; dụng cụ xăm mình xỏ tai kém vệ sinh... đều có thể bị viêm gan C.
Viêm gan C là bệnh truyền nhiễm do Hepatitis C virus (HCV) gây nên, bệnh thầm lặng nhưng hậu quả rất nặng nề. Tuy vậy bệnh viêm gan C ít được quan tâm. Theo Boldsky, mọi người nên biết và hiểu được cách thức gây bệnh của viêm gan C.
Viêm gan C là bệnh lây truyền từ người mang virus sang cho người lành theo 3 con đường: đường máu, đường tình dục và mẹ truyền cho con qua nhau thai khi sinh.
Những người có nguy cơ mắc viêm gan C:
- Người được cấy ghép nội tạng hoặc truyền máu, dùng chung kim tiêm, ống hút từ những người nhiễm HCV.
- Người làm việc tại phòng khám hoặc bệnh viện tiếp xúc với bệnh phẩm có chứa HCV thường xuyên như kim tiêm, máy lọc thận hoặc máu bị nhiễm bệnh.
- Người có quan hệ tình dục không được bảo vệ với đối tác bị nhiễm HCV.
- Trẻ được sinh ra từ người mẹ nhiễm siêu vi C.
- Một số người tham gia châm cứu, bấm lỗ tai, xăm mình mà các dụng cụ hành nghề không tuyệt đối vô khuẩn.
- Ngoài ra, có một số trường hợp bị nhiễm HCV nhưng không rõ nguyên nhân lây nhiễm.
Người bệnh viêm gan C phải đối mặt với ba biến chứng rất nguy hại là xơ gan, ung thư gan và suy gan. Nguy hiểm hơn là viêm gan C diễn ra âm thầm, không có triệu chứng gì cho đến khi gây ra những tổn hại nghiêm trọng đến gan. Người nhiễm bệnh không biết mình bị nhiễm và có thể vô tình để bệnh lây lan trong cộng đồng.
Nếu có các biểu hiện như sốt, đau dạ dày, đau khớp, đau nhức bắp thịt, da ngứa, kém ăn, buồn nôn và mệt mỏi, đặc biệt nước tiểu sẫm màu, vàng mắt, vàng da thì hãy xét nghiệm viêm gan C để có phương hướng điều trị kịp thời.
Biện pháp rẻ nhất, hiệu quả nhất để chống lại bệnh này là phòng ngừa. Không tiêm chích ma túy hay quan hệ tình dục bừa bãi và truyền máu không an toàn. Người bị viêm gan C mạn tính hoặc người lành mang virus viêm gan C, cần được khám bệnh định kỳ.
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN