Mỗi lần đi chợ tôi phải rất đau đầu để chọn lựa thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch. Nếu bạn hỏi tôi “vì sao phải ăn thực phẩm bẩn?” thì tôi cho rằng câu hỏi đó chưa chuẩn. Bởi vì, chẳng ai chấp nhận ăn thực phẩm bẩn, nếu người ta biết nó bẩn. Vậy, câu trả lời của tôi sẽ là “vì không có thông tin”.
Khi được hỏi “Vì sao người Việt phải ăn thực phẩm bẩn”, chị Thùy Anh, quận Tây Hồ (Hà Nội) đã chia sẻ ý kiến của mình:
Tôi tin rằng, hàng triệu người phụ nữ nội trợ khác cũng như tôi mà thôi. Không ai đủ can đảm dùng thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn để ăn nếu họ biết rằng chính xác là nó bẩn.
Tôi cảm thấy nực cười vì thi thoảng có nghe trả lời của một vài vị chuyên gia thực phẩm, hay mấy vị quản lý Nhà nước khuyến cáo người tiêu dùng phải trở thành những nhà tiêu dùng thông minh. Xét cho cùng người ta có thể thông minh khi lựa chọn một chiếc điều hòa, một cái tivi hay một cái tủ lạnh chứ ít ai có thể thông minh trước “ma trận” thực phẩm hiện nay.
Đơn giản bởi người tiêu dùng không có công cụ để xác minh, giám định độ sạch bẩn của thực phẩm. Họ càng không thể thể lựa chọn được thực phẩm khi mà không có thông tin về loại thực phẩm đó, đặc biệt khi các thông tin về thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn lại đang bị hỗn loạn.
Cô bạn thân tôi hay tâm sự, cô sợ ăn phải thực phẩm bẩn, do vậy cô thường đặt hàng ở quê ngoại ở Thanh Hóa gửi ra. Thứ nào không có cô vào siêu thị mua. Thế nhưng, bản thân cô cũng không dám khẳng định đó là thực phẩm sạch bởi chẳng có cách nào để cô có thể xác minh, giám định.
Cô và cả gia đình cô chủ yếu dựa vào niềm tin giữa những người quen biết. Có hôm, cô bất bình gọi cho tôi phàn nàn bởi vừa nghe báo chí đăng tin có siêu thị nhập rau củ quả ngoài chợ vào dán mác hàng an toàn để bán ăn chênh lệch. Từ đó niềm tin của cô vào sản phẩm “sạch” của siêu thị gần như đổ vỡ. Cô quay lại thói quen đi chợ và phát huy tiếp khả năng cảm nhận của bản thân để chọn lực thực phẩm sạch.
Quay lại câu chuyện của tôi, tôi thì không bao giờ có khái niệm thực phẩm sạch hay thực phẩm bẩn. Đơn giản vì tôi không biết nhận diện, phân biệt nó qua đâu. Nếu có thể, tôi cho rằng trước khi yêu cầu thực phẩm sạch, có lẽ điều đầu tiên cần yêu cầu nó an toàn. Đương nhiên khi thị trường không có thực phẩm an toàn thì bạn sẽ phải ăn thực phẩm không an toàn (thực phẩm bẩn).
Như vậy, sẽ có hai câu trả lời cho việc “Vì sao bạn ăn thực phẩm bẩn?”. Một là vì bạn không có thông tin, tất cả sản phẩm bị đánh đồng, làm giả khiến người tiêu dùng hoang mang, mất niềm tin. Hai là, người tiêu dùng thích dùng hàng ngon, mà lại rẻ thì đương nhiên mức độ “sạch” của nó cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.
Góc độ cá nhân tôi, chẳng ai muốn ăn thực phẩm bẩn, chỉ là là không có thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn để ăn hoặc là vì giá cả của nó quá “trên trời”. Dạo gần đây, câu chuyện “từ bếp ăn tới nghĩa địa” lại được nói nhiều hơn. Các cấp các ngành, các đơn vị có liên quan lại sôi sục câu chuyện làm thế nào để quản lý, hạn chế thực phẩm sạch. Vấn đề được đưa ra nói nhiều, bàn nhiều nhưng mãi mà không có hướng giải quyết.
Theo tôi vấn đề không phải quá phức tạp như vậy. Chúng ta cũng nói nhiều tới việc kiểm soát thực phẩm từ đầu ra vậy tại sao lâu nay chúng ta không làm. Cơ quan quản lý Nhà nước có thể tính tới việc tăng lực cho cấp xã trong việc quản lý, giám sát việc sản xuất thực phẩm an toàn.
Có thể cử một nhân viên khuyến nông, cán bộ nông nghiệp chuyên theo dõi, giám sát, làm kỹ thuật cho nông dân. Nếu phát hiện cá nhân nào vi phạm, sử dụng thuốc trừ sâu quá liều… xử phạt ngay. Thêm vào đó, chúng ta cũng nên có nghiên cứu để đưa ra những phương pháp xác định, giám định thực phẩm. Chỉ có như vậy, thực phẩm mới sạch được từ đầu vào, người tiêu dùng mới an tâm dùng bất cứ thực phẩm nào ngoài thị trường.
Theo Thùy Anh/danviet