(Baonghean) - Lần nào đi công tác miền núi, mình cũng tranh thủ mua ít đặc sản vùng cao như khoai sọ, dưa chuột Mông, xoài, cải ngồng, thậm chí có khi là cặp vịt bầu Quỳ! Mua tận nơi, lại có người quen là dân bản địa "chỉ điểm", không lo mua nhầm đồ "nhập khẩu" từ miền xuôi lên như trường hợp oái oăm của nhiều người. Ấy thế mà có khi, chính các "thổ địa" cũng phải gãi đầu gãi tai chịu thua khi được nhờ vả đi mua đặc sản địa phương. Đơn cử như ông bạn mình ở Tương Dương trong chuyện mua xoài...

Xoài gốc Tương Dương ngon có tiếng. Ấy là giống xoài phải trồng rất lâu mới bắt đầu cho thu hoạch quả. Sinh trưởng chậm là thế nên quả xoài cũng bé tí, đã vậy lại còn nám đen và chảy nhựa rất nhiều. Nói chung là nhìn qua thì không được... đẹp mắt cho lắm, nhưng ai đã ăn một lần chắc chắn nhớ mãi không quên. Vừa ngọt, vừa thơm, ăn miếng nào xuýt xoa miếng ấy. Chẳng thế mà đến mùa xoài, giá bán theo kg cứ tăng lên vùn vụt mà vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu người mua. Sau này, người ta nhập về giống xoài mới, xoài lai. Giống này sinh trưởng nhanh, quả to, thu hoạch khá, hương vị cũng ổn nên người dân trồng khá nhiều. Công bằng mà nói, giống xoài mới tuy không mang thương hiệu xoài gốc Tương Dương nhưng cũng đem lại nguồn thu nhập ổn định, tương đối cho người dân.

Nếu câu chuyện cây xoài chỉ dừng đến đây, kể cũng không có gì là lạ. Nhưng khổ nỗi, "người tính không bằng trời tính", do cây xoài gốc và cây xoài mới trồng gần nhau nên đến mùa ra hoa, kết quả, gió và các tác nhân thụ phấn của tự nhiên như các loài côn trùng "vô tình kết duyên" cho hai giống xoài. Kết quả, lượng xoài thuần gốc, giữ đúng hương vị nguyên thuỷ cứ ít dần đi. Đến nỗi mà hôm mình lên công tác, nhờ ông bạn dắt đến bản nổi tiếng giữ được giống xoài Tương Dương "chính hiệu", với hương vị chuẩn xác nhất, ngon nhất, bạn mình phải nhờ cậy đến trưởng bản mà cuối cùng chỉ mua được xoài của một nhà duy nhất. Thế mới biết, xoài nói riêng và các thứ nông sản đặc sản vùng cao khác nói chung khi đến tay người tiêu dùng, có khi đã "lai" đi, "lưu lạc" đi mất vài phần...

Vậy thì phải làm sao để khôi phục, duy trì và nhân rộng những cây, con mang đặc trưng, bản sắc và thương hiệu của mỗi địa phương? Thị trường ngày một mở rộng với nguồn cung dồi dào khiến tiêu chuẩn, yêu cầu lựa chọn của người tiêu dùng đối với hàng hoá được nâng lên, đó là quy luật phát triển tất yếu của kinh tế. Muốn phát triển bền vững với giá trị cao, không có cách nào khác ngoài hướng đến chất lượng sản phẩm thay vì số lượng, sản lượng. "Lý thuyết là như vậy, nhưng làm thì rất khó. Một cây xoài lai đang cho thu hoạch ổn định - dù không cao, giờ bảo chặt đi để trồng cây xoài gốc, khác nào bắt đầu lại từ con số không? Rồi sau đó là một quãng thời gian chờ đợi để cây xoài sinh trưởng trước khi cho thu hoạch. Đó là lối làm kinh tế theo tư duy dài hơi mà bà con mình không phải ai cũng nghĩ đến, hoặc có nghĩ đến cũng không dám làm" - ông bạn mình vừa gọt xoài (xoài lai thôi, haha), vừa phân tích.

"Xoá sổ" hết xoài lai thì đúng là có phần bất khả thi thật, nhất là với tình hình kinh tế của bà con còn hạn chế. Nhưng ít ra điều mà người ta có thể làm là giữ gìn, nhân giống cây xoài gốc - nhưng với điều kiện đảm bảo môi trường sinh trưởng không giao thoa với môi trường của các giống khác để đảm bảo tính thuần, rồi dần dần lấy ngắn nuôi dài, "thay máu" giống xoài trên một tầm nhìn dài hạn. Mình đề xuất ý tưởng đó với ông bạn, hai thằng cùng gật gù, rồi vừa ăn xoài, vừa kết luận: "Đổi mới bằng cách nào, đến mức độ nào, tựu chung vẫn cứ phải bảo tồn đặc trưng, đặc sản của mình, ấy mới là điều quý giá nhất - cả về giá trị tinh thần lẫn giá trị kinh tế!".

Hải Triều