Khi Mỹ quyết định bắt đầu rút nốt số binh sĩ còn lại khỏi Afghanistan từ 1/5, kéo theo việc rút quân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), rất nhiều người lo ngại cho tương lai của Afghanistan. Một cuộc giao tranh ác liệt ngay trong ngày 2/5 đã chứng minh mối lo ngại này không phải là viển vông, và niềm hy vọng Afghanistan có thể “tự đứng trên đôi chân của mình” để đảm bảo an ninh cho đất nước thực sự quá mong manh.
Tự đứng trên đôi chân yếu ớt
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Afghanistan, cuộc giao tranh giữa lực lượng Chính phủ và Taliban kéo dài 24 giờ đã khiến hơn 100 phiến quân thiệt mạng, trong khi con số thương vong phía Chính phủ không được công bố. Vụ đụng độ đầu tiên với số thương vong lớn ngay khi Mỹ bắt đầu thực hiện quá trình rút quân như báo hiệu một tương lai bất định của Afghanistan khi vắng bóng các lực lượng quốc tế sau đúng 20 năm.
Khi kế hoạch rút hơn 3.000 binh sĩ còn lại của Mỹ và hơn 7.000 binh sĩ của NATO được công bố, lãnh đạo Afghanistan cùng các quan chức an ninh nước này đã nhiều lần khẳng định, đã đến lúc Afghanistan phải “tự đứng trên đôi chân của mình” trong việc đảm bảo an ninh quốc gia. Nhưng nhìn vào “đôi chân” của Afghanistan lúc này khiến nhiều người thực sự lo ngại, bởi “đôi chân” đó quả thực quá yếu ớt cả về chất và lượng.
Trong gần 20 năm qua, kể từ ngày cuộc chiến tranh tại Afghanistan bắt đầu, Mỹ và các đồng minh đã dành ra hàng chục tỷ USD để gây dựng, đào tạo, mở rộng và hỗ trợ các lực lượng quốc phòng và an ninh chính thống tại Afghanistan. Mục tiêu là giúp cho lực lượng này trở thành nòng cốt đảm bảo an ninh cho quốc gia Nam Á này. Nhưng sau 20 năm, sự tinh nhuệ và trang bị hiện đại của quân đội Mỹ vẫn chưa thể “lan tỏa” sang quân đội Afghanistan.
Trên giấy tờ, các lực lượng quân đội và an ninh Afghanistan có khoảng 300.000 người, nhưng thực tế, số binh lính phục vụ ít hơn con số này rất nhiều. Hàng loạt yếu tố từ nạn tham nhũng, thất lạc số liệu, quản lý yếu kém… khiến cho lực lượng này thiếu về lực lượng và yếu về năng lực tác chiến. Ngay cả việc tuyển quân, họ cũng gặp khó khăn đặc biệt là ở các tỉnh miền Bắc. Khu vực này được biết tới là nơi sinh sống của các bộ lạc có tư tưởng chống Taliban và là địa bàn tuyển mộ truyền thống. Tuy nhiên, số lượng tuyển mộ được từ chỗ khoảng 3.000 người mỗi tháng xuống còn 500 chỉ trong 1 năm.
Năng lực của các lực lượng an ninh Afghanistan cũng là một vấn đề. Năm 2014, khi Mỹ chính thức kết thúc nhiệm vụ tác chiến ở Afghanistan, họ trao lại cho phía các lực lượng Chính phủ nắm giữ một mạng lưới tiền đồn và căn cứ mà Mỹ đã xây dựng trong hơn một thập kỷ. Nhưng vì thiếu năng lực hậu cần, hỏa lực hỗ trợ và cả tinh thần, các lực lượng Chính phủ Afghanistan đã để Taliban và đồng minh lấy đi phần lãnh thổ này. Điều trớ trêu là một số căn cứ quân sự quan trọng của Afghanistan nằm ở phía Nam lại nằm trong vùng Taliban kiểm soát và chỉ có thể chi viện bằng trực thăng. Lính Chính phủ ở tỉnh Helmand từng cố đàm phán với Taliban với hy vọng sẽ được rời bỏ căn cứ mà không bị tấn công. Nhưng các tay súng Taliban đã từ chối và ra yêu sách chỉ được ra đi nguyên vẹn nếu bỏ lại vũ khí đạn dược.
Hiện nay, Taliban hiện kiểm soát khoảng 19% diện tích lãnh thổ Afghanistan, các lực lượng Chính phủ nắm giữ 32%, phần còn lại đang tranh chấp. Những con số này cho thấy ngay cả khi có sự hỗ trợ của các lực lượng quốc tế, Chính phủ Afghanistan cũng chỉ kiểm soát được khoảng 1/3 lãnh thổ, và khả năng bảo vệ được phần lãnh thổ này sau khi Mỹ và NATO rút quân thực sự là một dấu hỏi.
Theo nhận định của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, Taliban hiện mạnh hơn so với bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 2001, khi Mỹ bắt đầu đưa quân vào nước này. Bởi vậy, nhận định của giới phân tích về việc Afghanistan đang đối mặt với tương lai bất định, thậm chí phải đối mặt với những kịch bản tồi tệ khi Mỹ và liên quân quốc tế đẩy nhanh tiến độ rút quân là hoàn toàn có cơ sở.
Nguy cơ vòng xoáy bạo lực mới
Mỹ và NATO dự kiến sẽ hoàn thành việc rút quân vào cuối mùa hè này, để lại các cuộc đàm phán hòa bình dang dở giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban. Các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan để tiến tới hòa bình là một trong những nội dung chính của thỏa thuận giữa Mỹ và lực lượng Taliban ký tháng 2/2020. Đó cũng là điều kiện đặt ra để Mỹ và liên quân chấm dứt hiện diện quân sự tại Afghanistan.
Sau khi giải quyết nhiều trở ngại ở cả phía Chính phủ Afghanistan và Taliban, vòng đàm phán đầu tiên đã bắt đầu tại Doha, Qatar từ tháng 9/2020. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc gặp mặt, tiến bộ đạt được rất hạn chế, và nhiều ý kiến cho rằng, Taliban có thể sẽ tận dụng cơ hội lực lượng quốc tế rút quân để đẩy mạnh các hành động bạo lực nhằm gây sức ép cho Chính phủ Afghanistan trên bàn đàm phán. Các cuộc đàm phán càng kéo dài thì những diễn biến trên thực tế càng có nguy cơ xấu đi.
Trong khi đó, nhìn vào lập trường của cả Chính phủ Afghanistan và Taliban hiện nay, khó có thể hy vọng hai bên có thể nhanh chóng tiến tới thỏa thuận nhằm thành lập chính phủ liên minh. Với Chính phủ Afghanistan, một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn là ưu tiên hàng đầu trong các cuộc đàm phán. Thế nhưng, rất khó có chuyện Taliban đồng ý từ bỏ bạo lực, bởi đây là đòn bẩy chính của họ trong bất kỳ thỏa thuận chính trị nội bộ nào ở Afghanistan.
Bên cạnh đó, Chính phủ Afghanistan và Taliban cũng đang bất đồng về tương lai của đất nước Afghanistan hòa bình và thống nhất. Các nội dung này bao gồm cấu trúc của nhà nước Afghanistan và những quyền mà nhà nước này sẽ trao cho công dân của mình, đặc biệt là với phụ nữ. Taliban từ trước tới nay chỉ tập trung vào việc buộc quân đội nước ngoài rời khỏi Afghanistan chứ chưa từng nói rõ các đề xuất liên quan tới vấn đề quản trị nhà nước.
Một số nhận định cho rằng Taliban có khả năng thúc đẩy vai trò giám sát của các giáo sĩ Hồi giáo đối với việc ra quyết định của cơ quan hành pháp và lập pháp, một cách kết hợp giữa mô hình tiểu vương quốc Hồi giáo của nhóm này trong giai đoạn 1996-2001 và một nhà nước kiểu phương Tây. Trong khi đó, các lãnh đạo của nhà nước Afghanistan lại quyết tâm bảo vệ các thể chế dân chủ hiện tại và cả bản Hiến pháp của nhà nước Afghanistan. Theo đó, Hồi giáo sẽ là quốc giáo nhưng không ràng buộc hệ thống lập pháp và hành pháp vào giáo luật.
Chủ tịch Hội đồng Tối cao Hòa giải Quốc gia Abdullah Abdullah từng cho rằng “Một thỏa hiệp về những điều này sẽ không đưa đất nước Afghanistan tới hòa bình”. Còn Tổng thống Ashraf Ghani khẳng định, Chính phủ sẽ không ký thỏa thuận nào mà giới hạn các quyền của người dân Afghanistan. Một khó khăn nữa còn nảy sinh ngay trong nội bộ chính quyền Afghanistan khi có nhiều luồng ý kiến chia rẽ về quan điểm trong đàm phán hòa bình với Taliban. Một số nhân vật có tiếng nói trong chính phủ có xuất thân là lãnh chúa đầy uy quyền, được vũ trang mạnh mẽ và có mối hận thù sâu đậm với Taliban, bởi vậy họ theo đuổi những quan điểm rất cứng rắn trong các vòng đàm phán đang diễn ra tại Doha, Qatar.
Giới phân tích từng cho rằng, tương lai của Afghanistan phải do người Afghanistan quyết định. Nhưng nhìn vào tình hình thực tế hiện nay, khi Taliban vẫn tiến hành các cuộc tấn công bạo lực nhằm gây sức ép với Chính phủ Afghanistan trên bàn đàm phán, trong khi chính nội bộ Chính phủ Afghanistan cũng chưa thể thống nhất về quan điểm trong đàm phán hòa bình với Taliban, khó có thể kỳ vọng hòa bình sẽ đến với Afghanistan trong một tương lai gần.