Để có 3 điểm khi đối đầu với Campuchia và Lào thìHLV Tan Cheng Hoe đã đá với đội hình 4-4-2 nhưng khi làm khách trên sân Mỹ Đình, nhiều khả năng Malaysia sẽ đá với đội hình 4-2-3-1.
Khó khăn tấn công trung lộ
Nhìn vào quá trình tập huấn của Malaysia, nhất là những gì đã diễn ra trên sân trận gặp Cambodia, chúng ta có thể dự đoán rằng HLV Tan Cheng Hoe đang dành niềm tin tuyệt đối cho cặp trung vệ và cặp tiền vệ trung tâm. Đó dường như là 4 cầu thủ tốt nhất và kinh nghiệm nhất của ông Tan Cheng Hoe ở các vị trí ấy.
Cặp trung vệ của Malaysia là sự kết hợp giữa “lão tướng” Zafuan Radzak và trung vệ trẻ Shahrul Saad. Radzak với 73 lần khoác áo ĐTQG, nhiều nhất trong số các thành viên tuyển Malaysia ở AFF Cup lần này, rõ ràng là một trụ cột. Radzak cũng quá hiểu các đối thủ khu vực và chính anh là người đã nâng cao cúp vàng bóng đá nam SEA Games 2009. Radzak chả lạ gì lối đá của trung phong Anh Đức, Trọng Hoàng vì họ đã đối đầu với nhau tại AFF Cup 2010.
Trong khi đó, với chiều cao 1m80 khá lý tưởng, thi đấu xông xáo, trung vệ trẻ Saad đang dần trở thành hậu vệ chiếm được niềm tin của ông Tan Cheng Hoe và đồng đội. Trong sơ đồ 4 hậu vệ, Saad thường đá cao hơn Radzak, chủ yếu làm nhiệm vụ cắt bóng, cản phá đối phương.
Trong khi đó, ở trung tâm hàng tiền vệ, ông Tan Cheng Hoe thường sử dụng cặp Mahinan và Abba. Đây là 2 tiền vệ trẻ, với tổng số lần khoác áo ĐTQG của cả hai mới chỉ là 18 lần. Mahinan được cho là người dẫn dắt lối chơi của Malaysia, trong khi đó Abba, cầu thủ to cao, có sức mạnh tì đè và che chắn bóng rất tốt làm nhiệm vụ đánh chặn. Abba có lối đá băm bổ khá giống Ngô Hoàng Thịnh (FLC ThanH Hóa), thậm chí còn rắn hơn nhiều.
Chắc chắn ông Tan Cheng Hoe biết được điểm mạnh, điểm yếu của hàng tiền vệ Việt Nam, trong đó có Xuân Trường và Quang Hải. Cuộc chiến giữa sân, Mahinan và Abba sẽ được lệnh đá áp sát, tận dụng điểm mạnh thể lực để không cho các cầu thủ Việt Nam có thời gian cân chỉnh bóng. Trục dọc của Malaysia được coi là sự kết hợp giữa cầu thủ kinh nghiệm và sức trẻ.
Thay đổi tiền vệ trung tâm
Theo chúng tôi, đối đầu với Malaysia thì việc bố trí cùng lúc Xuân Trường và Quang Hải chắc chắn sẽ mang lại sự mạo hiểm. Bộ đôi Xuân Trường và Quang Hải có sở trường về cầm bóng và triển khai tấn công. Bất lợi về thể hình và thể lực nên cả Xuân Trường và Quang Hải đều không mạnh trong các pha tranh chấp và thu hồi bóng. Đối đầu với Mahinan và Abba là những cầu thủ thi đấu xông xáo, có tốc độ thì đội tuyển Việt Nam sẽ gặp nguy hiểm khi đội bạn đoạt được bóng và tấn công thẳng theo trục dọc giữa sân.
Để khắc phục vấn đề này, ông Park đôi lúc phải “hy sinh” học trò cưng Xuân Trường. Khi đó, đá cặp với Quang Hải sẽ là một trong hai cái tên Hùng Dũng, Đức Huy, thậm chí ông Park có thể tung hẳn Đức Huy và Hùng Dũng đá tiền vệ trung tâm và đẩy Quang Hải lên đá ở vị trí tiền đạo cánh phải sở trường. Đức Huy và Hùng Dũng là 2 tiền vệ trụ có khả năng thu hồi và tranh chấp bóng rất tốt. Trong khi đó, các tiền vệ biên như Văn Quyết, Quang Hải đều làm tốt nhiệm vụ kiến tạo.
Cách triển khai các phương án tấn công của ĐT Việt Nam trong trận gặp Lào cũng gặp rất nhiều bế tắc. Ngoại trừ pha mở tỷ số, Văn Hậu tấn công biên, phần lớn thời gian trận đấu Công Phượng cùng Văn Quyết, Anh Đức thay nhau vỗ mặt rồi bật nhả lao thẳng vào trung lộ. Tuy nhiên, các tình huống này chưa một lần mang lại kết quả với những sự phối hợp không chính xác khi đối thủ Lào tập trung số đông ở sân nhà.
Với trung vệ Zafuan Radzak dày dặn kinh nghiệm thì đội tuyển của chúng ta sẽ phải thêm miếng tấn công biên. Văn Toàn sẽ là một sự lựa chọn không tồi bên cạnh cái tên như Văn Quyết, Quảng Hải.