Trong 12 kỳ tổ chức, chưa năm nào AFF Cup được truyền thông khu vực quan tâm đưa tin nhiều đến thế. Hàng loạt tờ báo thể thao lớn ở châu Á đều dành thời lượng đáng kể để đưa tin, bài về AFF Cup 2018. Tiêu biểu như tờ FOX Sports luôn cập nhật diễn biến giải đấu nhanh nhất, đi cùng với đó là nhiều bài bình luận chuyên sâu. Trước trận chung kết, người ta tính có khoảng 200 tờ báo lớn, nhỏ Việt Nam đã liên tục có bài viết đăng tải về sự kiện này.

Hiệu ứng truyền thông, chuyên môn

fox_news_tran_van_trung5227514_101220185401549_16122018.jpgFox News đăng tải bài viết về cảm xúc của phóng viên Báo Nghệ An trước trận chung kết lượt đi. Ảnh chụp màn hình.
Để có thể cập nhật tin tức nóng hổi, Báo Nghệ An lần đầu tiên cử phóng viên theo chân đội tuyển Việt Nam sang thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia). Không chỉ phân tích, bình luận sâu về chuyên môn mà các góc cạnh đời sống, tập luyện của cầu thủ và BHL đội tuyển đều được truyền tải, cập nhật thường xuyên. Điều khá đặc biệt, nhiều dự đoán trên Báo Nghệ An điện tử (baonghean.vn) có độ chính xác cao, góc nhìn lạ, mang đặc trưng của một địa phương có đông đảo lượng cổ động viên, am hiểu sân cỏ.

Về chuyên môn, chất lượng các trận đấu tại AFF Cup 2018 có sự gia tăng đáng kể. Ngoại trừ trận Thái Lan thắng Đông Timo 7-0, 

không có quá nhiều trận đấu chênh lệch lớn về tỉ số. Sau khi có sự đầu tư nhất định thì Campuchia hay Lào - hai đội thuộc top yếu nhất khu vực đã khiến các "ông lớn" như Việt Nam, Malaysia gặp nhiều khó khăn. Đã xuất hiện những bàn thắng mang đậm dấu ấn bóng đá hiện đại, có độ khó cao, kết hợp kỹ thuật cá nhân lẫn sức mạnh của cầu thủ ghi bàn.

Đã ít dần lối đá tự phát, ngẫu hứng vốn là đặc trưng cơ bản của bóng đá Đông Nam Á, thay vào đó, hầu hết các đội bóng đều có sự tổ chức lối chơi rất rõ ràng, chặt chẽ, giống như nhiều đội bóng lớn trên thế giới. Trong đó, Việt Nam và Malaysia là 2 đội bóng thể hiện nổi bật hơn cả, các cầu thủ chú trọng phát triển bóng từ sân nhà tới cầu môn đối phương.

Những ông thầy ngoại xuất hiện khiến AFF Cup trở nên danh giá hơn rất nhiều. Ảnh: AFF

Việc xuất hiện những nhà cầm quân tầm cỡ như Sven-Goran Eriksson (Philippines), Milovan Rajevac (Thái Lan) hay Park Hang-seo (Việt Nam) khiến AFF Cup trở nên danh giá hơn rất nhiều. Tư duy chiến thuật họ mang đến cũng rất mới mẻ so với bóng đá Đông Nam Á, từ đó tạo ra sức hút với người hâm mộ.

Bên cạnh đó, việc thành tích của bóng đá Đông Nam Á ở đấu trường châu Á đang ngày được cải thiện đã góp phần giới thiệu, quảng bá AFF Cup 2018. Người hâm mộ châu lục sẽ tò mò rằng: Điều gì đang xảy ra đối với “vùng trũng bóng đá thế giới” khi mà “U23 Việt Nam về nhì châu Á, U23 Malaysia cũng vào tới tứ kết. Tại ASIAD, Việt Nam lọt top 4 đội mạnh nhất. Năm 2015, Myanmar dự U20 World Cup và hai năm sau tới lượt Việt Nam"? Những bước tiến như vậy buộc châu Á phải nhìn Đông Nam Á bằng con mắt khác!

Nâng tầm

Về mặt xã hội thì đời sống kinh tế Đông Nam Á còn thấp nhưng đây lại là khu vực nhận nhiều sự chú ý của các cường quốc trên thế giới. Muốn thu hút đầu tư, cách nhanh nhất là tập trung vào thể thao, đây cũng là cách “đại lục” Trung Quốc gần đây cũng áp dụng. Chính bởi vậy, những năm gần đây, các quốc gia Đông Nam Á đã tăng cường chi cho bóng đá và đem đến hiệu quả nhất định. Dễ nhận thấy nhất là AFF Cup 2018 rất khí thế, nhiều màu sắc, kịch tính, không ít đại gia đã quan tâm.

Các trận đấu tại AFF Cup 2018 nhiều màu sắc, kịch tính và chất lượng. Ảnh: Trung Kiên
Ngoài việc mời các ông thầy ngoại danh tiếng, khá nhiều quốc gia như Philippines, Myanmar đã sử dụng nhiều cầu thủ nhập tịch để nâng cấp đội tuyển nên khoảng cách giữa bóng đá các quốc gia khu vực đã được xích lại nhanh hơn. Nhà vô địch Việt Nam đã thành công theo hướng đầu tư cho bóng đá trẻ kết hợp thuê nhà cầm quân Park Hang-Seo tài năng.

Với chức vô địch AFF Cup 2018, chúng ta tự tin về chiến lược phát triển nâng tầm bóng đá Việt Nam, hướng tới mục tiêu lớn hơn. Trong ngày vui không thể không nhớ đến sự đóng góp của bầu Kiên, bầu Thắng và nhất là bầu Đức - người đang trả 2 năm tiền lương cho ông Park./.