Tiền vệ quê Hà Tây có hiệu suất ghi bàn rất cao trong màu áo CLB Hà Nội (0,4 bàn/trận) và cái duyên ghi bàn ở ba kỳ AFF Cup trước (4 bàn). Nhưng sau 3 trận đấu vòng bảng, Văn Quyết đang trở thành “gánh nặng” đối với HLV Park Hang-seo theo kiểu “bỏ thì thương, vương thì nặng”.
Vẫn đá tiền vệ trái trong sơ đồ 3-4-3 nhưng tại ASIAD 18 Văn Quyết tỏa sáng bao nhiêu thì AFF Cup lần này anh lại mờ nhạt bấy nhiêu. Bước chạy của cầu thủ sinh năm 1991 thiếu đi sự thanh thoát vốn có, anh lại có quá nhiều đường chuyền lạc nhịp, sai địa chỉ.
Điểm mờ hành lang trái
Đến giờ, đội trưởng Văn Quyết mới thi đấu vẻn vẹn 88 phút trên sân. Hai lần có tên trong đội hình xuất phát trận Lào và Myanmar thì chỉ có mặt 63 và 45 phút khá mờ nhạt và Hùng Dũng, Trọng Hoàng sau khi vào thay thế thì đội tuyển Việt Nam tốt hơn nhiều. Trận gặp Malaysia, phải tận phút 74 khi trận đấu đã an bài với phần thắng 2-0 nghiêng về chủ nhà Việt Nam thì Văn Quyết mới được tung vào thay Công Phượng.
Thực ra, lịch sử đội tuyển Việt Nam thì Văn Quyết không phải là người mang chiếc băng đội trưởng mà thời gian ngồi ngoài sân nhiều hơn thi đấu. Ngay cả năm chúng ta vô địch AFF Cup 2008, thì đội trưởng Minh Phương cũng không đóng góp nhiều. Tại AFF Cup 2014, khi Lê Tấn Tài đeo băng đội trưởng thì tiền vệ người Khánh Hòa chủ yếu cùng HLV Miura đi họp báo và đôn đốc đàn em đi ngủ, thức dậy đúng giờ.
Không phải lúc nào các cầu thủ đàn anh có nhiều kinh nghiệm, có thâm niên ăn cơm tuyển cũng có thể vượt qua áp lực khi đeo chiếc băng đội trưởng trên tay. Việc Văn Quyết mờ nhạt trong cả 3 nhiệm vụ kiến tạo, quấy rối và ghi bàn khiến đội trưởng này không được thi đấu nhiều trên sân.
Đá thay Quyết “rừng”, các đàn em Quang Hải, Văn Đức làm tốt hơn nhiều khiến cho cơ hội ra sân của đội trưởng Văn Quyết ngày càng hẹp lại. Người hâm mộ lại càng nhớ Đinh Thanh Trung, Vũ Minh Tuấn hay Phi Sơn, những người không được gọi lên tuyển lần này.
“Hy sinh” Văn Quyết
Nếu vẫn tiếp tục trung thành với sơ đồ 3-4-3 với cặp tiền vệ “tấn công không phòng thủ” như hiện nay thì ông Park không còn cách nào khác phải hy sinh Văn Quyết.
Với lối đá này, về tuyến dọc khi mất bóng đội tuyển sẽ chuyển thành 5-3-2 hoặc 5-4-1 với yêu cầu cự ly đội hình cả dọc lẫn ngang chỉ từ 7-10m khiến cả Công Phượng lẫn Văn Quyết đều phải di chuyển rất nhiều. Cự ly như thế giúp cho tuyến phòng ngự bọc lót cho nhau tốt hơn nhưng bào mòn thể lực cầu thủ khá nhiều.
Khá nhiều tình huống Văn Quyết được yêu cầu bó vào trong hỗ trợ Xuân Trường, Quang Hải thi đấu như một tiền vệ trung tâm thứ 3. Lối đá này qua 3 trận đấu, thủ môn Văn Lâm vẫn chưa phải vào lưới nhặt bóng nhưng Văn Quyết thì lại gặp khó khăn.
Khi Anh Đức đá trung phong cắm, ông Park Hang-seo kỳ vọng khi cánh đối diện Công Phượng được giao nhiệm vụ quấy rối sẽ tạo điều kiện Văn Quyết cầm bóng và tổ chức tấn công. Nhưng không hiểu vì lý do gì khả năng cầm bóng đột nhập vòng cấm của Văn Quyết bị suy giảm còn những miếng phối hợp với Văn Hậu, Công Phượng và Anh Đức đều không có tính đột biến cao như thường thấy.
Hiện cả Văn Đức và Quang Hải đều là sự lựa chọn tốt cho vị trí tiền vệ cánh trái của đàn anh Văn Quyết. Nếu quyết dùng Xuân Trường thì buộc ông Park phải gia tăng chất thép ở vị trí tiền vệ trung tâm và Hùng Dũng đã sẵn sàng.
Đưa Quang Hải lên hàng công của sơ đồ 3-4-3, chắc chắn giữa Văn Quyết và Công Phượng, ông Park Hang-seo sẽ phải hy sinh một người. Tại AFF Cup lần này, Công Phượng đá đồng đội hơn nhiều, rất có ý thức lui về hỗ trợ phòng ngự thể hiện được chất quái cần thiết.
Những cú ra chân không cần đà, hay cú vẩy má điệu nghệ đã giúp cầu thủ xứ Nghệ này có 2 bàn thắng, đều là bàn mở tỷ số. Rõ ràng ông Park cần Phượng trên sân hơn Văn Quyết để khi phản công, khả năng cầm bóng đột phá của Phượng có thể là chìa khóa mở ra tình huống ăn bàn.
Ông Park vẫn còn 90 phút trên sân Hàng Đẫy để tạo cơ hội cuối cùng cho đội trưởng Văn Quyết bởi đối thủ Campuchia không quá mạnh. Nếu không chớp lấy, càng vào sâu thì cơ hội ra sân cho chiến binh này càng hẹp lại.