(Baonghean) - Trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu và Nga, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ có cuộc hội kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin vào hôm nay (6/5). Theo kế hoạch, chương trình nghị sự giữa hai nhà lãnh đạo sẽ tìm cách giải quyết tranh cãi lãnh thổ từ lâu đã gây ảnh hưởng đến các quan hệ song phương.

Cuộc gặp giữa ông Abe và ông Putin theo dự kiến sẽ diễn ra tại thành phố nghỉ dưỡng Sochi của Nga bên bờ biển Đen. Theo nhiều chuyên gia, đây sẽ là cuộc gặp không dễ dàng gì đối với phía đất nước mặt trời mọc, nhất là khi đặt trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi Thủ tướng Abe không tới thăm xứ sở bạch dương, bởi còn tồn tại quá nhiều bất đồng giữa Moskva với phương Tây về các động thái của Nga tại Ukraine và Syria - 2 điểm nóng rẫy trên bàn cờ quốc tế thời gian qua.

resize_images1533220_nh_n_v_t_s__ki_n_1.jpgTổng thống Putin và Thủ tướng Abe. Ảnh: Reuters
Lâu nay, người ta thường thấy Tokyo có xu hướng đưa ra những chính sách đối ngoại phù hợp với mong muốn của Mỹ - đồng minh đồng thời là quốc gia bảo đảm an ninh cho Nhật Bản. Tuy nhiên, quyết tâm của Thủ tướng Abe muốn giải quyết tranh chấp lãnh thổ dai dẳng đối với chuỗi quần đảo mà Liên Xô chiếm khi Nhật Bản đầu hàng sau Chiến tranh thế giới thứ 2 và ký kết thỏa ước hòa bình chính thức với Moskva đã “dẫn lối” để Chính quyền Nhật Bản phớt lờ động thái phản đối từ phía Washington.
 
Đưa tin về chuyến thăm của ông Abe, hãng thông tấn TASS của Nga cho rằng nội dung trọng tâm của các cuộc đàm phán sắp tới sẽ là tình hình hiện nay và những triển vọng phát triển hợp tác song phương trong các lĩnh vực thương mại và kinh tế cũng như lĩnh vực nhân đạo.
 
Các cuộc thảo luận cũng được kỳ vọng sẽ trở thành nơi trao đổi chuyên sâu ý kiến về các vấn đề đang gây sức ép mang tầm quốc tế. Bên cạnh đó, về phần mình, người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ đạt được những tiến triển quan trọng, hướng tới giải quyết tranh chấp lãnh thổ đã kéo dài suốt 7 thập niên qua và phủ bóng u ám lên mối quan hệ đối tác song phương.
 
Mối tranh chấp lâu đời
 
Kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ 2 khép lại, Nga và Nhật Bản chưa bao giờ ký kết hiệp ước hòa bình do còn tồn tại những xung đột liên quan đến tuyên bố chủ quyền của 2 bên đối với quần đảo nằm ở phía Bắc đảo Hokkaido của Nhật Bản, vốn được Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc và Moskva gọi là Nam Kuril.
 
Chính xác hơn, “mối thù” lâu nay giữa 2 bên liên quan đến 3 quần đảo (Iturup/Etorofu, Kunashir/Kunashiri, và Shikotan) và quần đảo đá nhỏ Habomai mà Nga nắm quyền kiểm soát kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, song người ta thường gọi ngắn gọn đây là tranh chấp 4 đảo.
 
Các đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Nga. Ảnh: DW
Một điểm đáng lưu ý khác là nhiều người vẫn nhầm tưởng tất cả những đảo này đều có diện tích nhỏ, tuy nhiên thực tế không phải vậy. Chỉ có quần đảo Habomai sở hữu quy mô không đáng kể và không có người sinh sống, đảo Shikotan tương đối nhỏ, 2 quần đảo còn lại có diện tích khá lớn.
 
Giả dụ xem những đảo này thuộc lãnh thổ của Nhật Bản, Iturup/Etorofu và Kunashir/Kunashiri sẽ là các quần đảo lớn thứ 5 và thứ 6 Nhật Bản. Chỉ có 4 quần đảo chính là Honshu, Hokkaido, Kyushu và Shikoku là lớn hơn.
 
Những nỗ lực mới
 
Kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Abe đã đặt việc theo đuổi các quan hệ tốt đẹp hơn với Nga là một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại của mình. Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Abe mong muốn gặp gỡ Tổng thống Putin càng nhiều càng tốt.
 
Dù vậy, tiến triển trong các quan hệ song phương lại giảm đi sau khi Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3/2014, dẫn tới hệ quả là các đòn trừng phạt nặng nề do Mỹ hô hào giáng xuống Moskva. Trong bối cảnh đó, Nhật Bản cũng “theo chân” đồng minh chủ chốt và áp đặt lệnh trừng phạt Nga. 
 
Hiện khoảng 17.000 dân Nga đang sinh sống trên các đảo tranh chấp. Ảnh: dpa
Trên phông nền như vậy, các nhà phân tích nhấn mạnh cuộc gặp tại Sochi ngày hôm nay sẽ trao cho ông Abe cơ hội đánh giá thái độ sẵn lòng đi đến giải pháp thỏa hiệp về tranh chấp đảo từ ông Putin. Tuy nhiên, người ta vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng 2 bên đạt được bước đột phá trong chuyến thăm lần này. 
 
Trong khi Moskva tuyên bố muốn duy trì quyền kiểm soát với cả 4 đảo, Tokyo cũng đang hối thúc trao trả những đảo này về tay mình, nhấn mạnh sẽ không ký thỏa ước hòa bình nếu không đạt thỏa thuận về các quần đảo. Chưa hết, giới quan sát còn giả định chính danh tiếng của 2 nhà lãnh đạo cũng là một rào cản đáng chú ý. Bởi lẽ cả Putin và Abe đều được xem là những người theo chủ nghĩa dân tộc, và bất cứ giải pháp mang tính thỏa hiệp nào về vấn đề này cũng có thể khiến 2 vị nguyên thủ chịu “mất mặt” trước dư luận trong nước.
 
Phú Bình
(Theo DW)