Vụ lúa mùa năm 2018, huyện Nghĩa Đàn gieo cấy 3.200ha, đạt 100% kế hoạch. Hiện nay, bệnh khô vằn gây hại trên các giống lúa, trà lúa với mật độ phổ biến từ 5 - 7%, cao 10 - 15%, cục bộ có ruộng từ 30 - 40%; cấp bệnh 1, 3, 5.
Tính đến nay, diện tích lúa nhiễm bệnh trên toàn huyện là 950ha, tập trung chủ yếu tại các xã Nghĩa Hưng, Nghĩa Khánh, Nghĩa Hội, Nghĩa Thắng, Nghĩa Trung…
Mật độ bệnh khô vằn cục bộ có ruộng từ 30 - 40%. Ảnh: Minh Thái
Trong điều kiện nắng mưa đan xen, thuận lợi cho rầy nâu, khô vằn phát sinh, nếu không chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh sẽ gây hại trên diện rộng. Đây đang là thời điểm cây lúa trong giai đoạn trổ đòng, nếu không kịp thời phòng trừ sâu bệnh sẽ bị nghẽn đòng, không trổ được bông; ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng hạt gạo.
Cán bộ kỹ thuật Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Nghĩa Đàn hướng dẫn nông dân xã Nghĩa Hưng biện pháp phòng trừ bệnh khô vằn hại lúa. Ảnh: Minh Thái
Để kịp thời phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa mùa, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Nghĩa Đàn đã chỉ đạo các xã chủ động tuyên truyền, tổ chức phun thuốc, khoanh vùng diệt trừ sâu hại lúa mùa kịp thời, hiệu quả; Cử cán bộ BVTV, khuyến nông giám sát tình hình sâu bệnh, tuyên truyền kịp thời các biện pháp phòng trừ. "Với tình hình sâu bệnh đang phát sinh và gây hại trên diện rộng, bà con phun thuốc phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” (đúng lúc, đúng cách, đúng thuốc, đúng liều lượng) để nâng cao hiệu quả phòng trừ, đồng thời bảo vệ côn trùng có ích" - ông Nguyễn Viết Trung - Trưởng Trạm BVTV Huyện Nghĩa Đàn khuyến cáo.
Tranh thủ thời tiết nắng lên, bà con nông dân ra đồng phun thuốc phòng trừ sâu bệnh trên lúa mùa. Ảnh: Minh Thái Sau khi có chỉ đạo, hướng dẫn của huyện về tình hình sâu bệnh hại lúa, bà con đã đồng loạt ra quân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh./.