(Baonghean.vn)-Ở Việt Nam, số lượng vụ ngộ độc thực phẩm hàng năm vẫn là rất lớn và theo thống kê của ngành y tế thì 92% các vụ ngộ độc thực phẩm đều do vi sinh vật quá liều lượng chứa trong thực phẩm.
 
Ngộ độc thực phẩm – thách thức của quốc gia
 
Chủ đề Ngày Sức khỏe thế giới 7/4/2015 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lựa chọn là “ Từ Nông Trại đến Mâm cơm”. Theo tổ chức này: Thực phẩm không an toàn gây ra hơn 200 loại bệnh và mỗi năm đã lấy đi sinh mạng của khoảng 2 triệu người trên thế giới… thực phẩm không an toàn gây ra cản trở sự phát triển kinh tế xã hội ở mỗi quốc gia. 
 
Ở Việt Nam, những năm qua, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã có những bước tiến đáng kể. Năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật an toàn thực phẩm;  Năm 2011, Chính phủ đã phê duyệt chiến Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030; năm 2014, Việt Nam cũng tham dự vào các bài tập mô phỏng của khu vực để thử nghiệm những ứng phó khẩn cấp của quốc gia và quy trình thông báo đối với các sự kiện an toàn thực phẩm trong nước.
 
images1121780_1.jpgChi cục vệ sinh an toàn thực phẩm Nghệ An thu mẫu thức ăn tại nhà bếp sau vụ ngộ độc của 300 công nhân Nhà máy may Namsung Vina ở khu công nghiệp xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu. Ảnh: N.K
 
Cũng trong năm 2014, thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế: Cả nước có 194 vụ ngộ độc thực phẩm được báo cáo, với hơn 5.000 người bị ngộ độc, 80% trong số này phải nhập viện, 43 trường hợp bị tử vong…So với năm 2013, số người bị ảnh hưởng hay nhập viện bởi ngộ độc thực phẩm đã giảm đi tuy nhiên những con số này đã nêu này chỉ là “tảng băng chìm”.
 
Việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hiện là một thách thức, bởi Việt Nam đang ở nhịp độ phát triển kinh tế nhanh; người tiêu dùng thì thiếu ý thức và không có điều kiện thẩm định thực phẩm bẩn. Hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giới, hướng đến loại trừ thực phẩm bẩn, Nhà nước ta cam kết cải thiện tình trạng an toàn thực phẩm tại Việt Nam, yêu cầu tất cả người tiêu dùng và các nhà sản xuất tuân thủ an toàn thực phẩm để bảo vệ sinh mạng và nâng cao sức khỏe của người dân.
 
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, WHO thực hiện hỗ trợ Việt Nam nâng cao giám sát bệnh, dịch tễ học thực địa, đánh giá nguy cơ, truyền thông nguy cơ, và các hoạt động phòng chống nhiễm khuẩn theo Điều lệ Y tế Quốc tế.
 
Nghệ An nặng nỗi lo thực phẩm bẩn
 
Tính riêng trong năm 2014, toàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm lớn với hàng trăm người mắc, 4 người tử vong. Thông tin từ ngành y tế thì thì 92% các vụ ngộ độc thực phẩm đều do vi sinh vật quá liều lượng chứa trong thực phẩm. Đó là các loại rau xanh, quả chín đã được phun thuốc kích thích và thuốc trừ sâu sát thời điểm đưa ra thị trường tiêu thụ; Các loại hóa chất chăn nuôi, bảo quản thịt, cá, hoa quả không được phép sử dụng.
 
Nỗi lo về thực phẩm càng lớn hơn khi biết rằng: Từ tháng 10/2014 – đầu tháng 2/2015, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 89 vụ, xử lý 66 vụ vi phạm với tổng giá trị tiền phạt 308 triệu đồng, tiêu hủy 195 kg nội tạng động vật, 34.000 quả trứng gia cầm, 50 kg phụ gia thực phẩm; Nâng tổng số vụ vi phạm lên 260 vụ, số tiền thu phạt lên 1,125 tỷ đồng tình từ đầu năm 2014…
 
Còn thông tin từ Phòng cảnh sát môi trường, Công an Nghệ An thì: Trong năm 2014, Phòng đã đấu tranh ngăn chặn, xử lý nhiều tội phạm và vi phạm pháp luật về an toan thực phẩm. Theo đó, phòng đã phát hiện 70 vụ vi phạm ATTP với tiền phạt 310 triệu đồng, tiêu hủy 252 kg thịt gia súc, gần 55,5 tấn thịt gia cầm và hàng chục tấn chân giò, nội tạng khác.
 
Việc thanh kiểm tra thị trường, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm lhiện chỉ là giải pháp “cần”, chứ chưa phải là “đủ”, nó mới dừng lại ở việc giải quyết được phần ngọn và không thể triệt để. Biện pháp lâu dài, bền vững vẫn phải là khuyến khích phát triển và nhân rộng các mô hình thực phẩm sạch khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. 
 
Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2015 có chủ đề “ Từ Nông Trại đến Mâm cơm”
A
n toàn vệ sinh thực phẩm - Trách nhiệm không phải của riêng ai
 
Các nhà sản xuất, nhà chế biến và người kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm đối với sự an toàn của thực phẩm mà họ sản xuất và kinh doanh; còn người tiêu dùng phải thực hiện các biện pháp dự phòng và tuân thủ các thực hành tốt về an toàn thực phẩm. Điều cần thiết vẫn phải là tất cả các địa phương, ngành chức năng trong tỉnh phải tích cực vào cuộc.  - 
 
Trong cuộc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm mới đây, đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: "Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm, công khai cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân tránh, tẩy chay; Chính quyền các cấp , ban quản lý chợ tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền để người dân có kiến thức phòng tránh ngộ độc, lựa chọn thực phẩm sạch, đảm bảo chất lượng".
 
Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì vai trò của người tiêu dùng thông thái trong việc chọn thực phẩm sạch, tẩy chay thực phẩm “bẩn” là rất quan trọng. Bác sỹ Đào Trọng Dũng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Nghệ An cho rằng: Vì sức khỏe của cộng đồng, người sản xuất kinh doanh cần đề cao “lương tâm và trách nhiệm”, mỗi người dân cần đề cao trách nhiệm công dân để lên tiếng tố giác vi phạm, giúp mọi người tránh xa những thực phẩm không đảm bảo chất lượng.
 
Bác sỹ Dũng khuyến cáo thêm: Để có thực phẩm an toàn và đảm bảo sức khỏe, mọi người có thể tự bảo vệ cho mình và gia đình bằng cách tìm hiểu thông tin về an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện đúng 10 nguyên tắc vàng để chế biến thực phẩm, 5 chìa khóa giúp thực phẩm an toàn hơn (giữ vệ sinh sạch sẽ - rửa sạch tay và giữ sạch sẽ bề mặt nơi chế biến thức ăn; để riêng thức ăn chín và thực phẩm sống; Nấu chín kỹ thức ăn, đặc biệt là thịt, gia cầm, trứng; giữ thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp; sử dụng nước sạch và thực phẩm tươi sống an toàn khi chuẩn bị thức ăn).
Thanh Sơn