(Baonghean) - Công nghệ số - yếu tố then chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt các doanh nghiệp du lịch Nghệ An trước thời cơ to lớn, nhưng đồng thời cũng có rất nhiều thách thức phải đương đầu.
Phát triển từ nền tảng công nghệ số
Công ty cổ phần Sài Gòn - Kim Liên là đơn vị liên doanh du lịch giữa ngành Du lịch Nghệ An và Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist). Hiện tại, công ty đang quản lý và điều hành 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế 4 sao tại TP.Vinh và thị xã Cửa Lò, với hơn 170 phòng lưu trú.
Từng một thời được xem là “biểu tượng” trong lĩnh vực lưu trú du lịch ở Nghệ An, nhưng cùng với sự phát triển đó, những năm gần đây, công ty cũng phải đối mặt với những thách thức lớn từ nhu cầu nghỉ dưỡng của khách hàng và sự cạnh tranh với hệ thống nhà nghỉ, khách sạn được xây dựng ngày càng nhiều. Cùng với các giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực..., ban lãnh đạo công ty đã quan tâm đầu tư các ứng dụng số hoá để cung cấp tiện ích cho khách hàng, quảng bá hình ảnh công ty trên mạng Internet.
Ông Lê Văn Bình - Giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn - Kim Liên cho biết: “Thời gian qua, công ty đã đầu tư nâng cấp lại hệ thống website với hình ảnh, giao diện và nhiều tính năng hấp dẫn, ưu việt hơn; đầu tư mua mới hệ thống phần mềm quản lý khách sạn thay thế cho phần mềm đã sử dụng trước đây đã có nhiều bất cập trong công tác quản lý; xây dựng phần mềm quản lý khách hàng và ứng dụng đặt phòng trực tuyến trên website... Ngoài ra, chúng tôi đã hợp đồng với Google trong việc ưu tiên tìm kiếm tên khách sạn; chào bán các sản phẩm dịch vụ tại khách sạn thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo...; sử dụng giải pháp quảng cáo online để mở rộng kênh đặt phòng về khách sạn”.
Cũng chung nhận thức như vậy, với Khách sạn Mường Thanh Luxury Sông Lam (TP. Vinh), tiếp thị điện tử đã trở thành hướng đi mũi nhọn trong thời gian qua. Ông Nguyễn Đức Hiển - Tổng Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Luxury Sông Lam chia sẻ: “Thời gian qua, khách sạn đã có website tích hợp ứng dụng booking online (đặt phòng trực tuyến) với 2 ngôn ngữ thông dụng Việt - Anh; liên kết với các trang thông tin điện tử về du lịch để hỗ trợ khách hàng đặt phòng, tham khảo giá cả, đánh giá chất lượng khách sạn...; quảng bá nhiều hoạt động, sự kiện du lịch qua Youtube, Facebook...; phối hợp tổ chức các cuộc thi, các chương trình trải nghiệm trên truyền hình...”.
Theo đánh giá của Hiệp hội du lịch Nghệ An, hiện nay có khoảng 90% khách sạn và lữ hành Nghệ An có website, 70% các doanh nghiệp có Fanpage trên mạng xã hội Facebook, khoảng 25% doanh nghiệp chạy Adgoogle hay Adfacebook để tăng lượng truy cập sản phẩm cũng như quảng bá và tiếp thị điểm đến. Trong lĩnh vực du lịch, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp cũng đồng nghĩa là quảng bá về hình ảnh đất và người nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Từ đó, những địa danh như Vườn quốc gia Pù Mát, thác Khe Kèm, Đảo chè Thanh An, cánh đồng hoa hướng dương... mới trở thành những “ngôi sao đang lên”, cùng với các địa danh truyền thống như Quê Bác, Cửa Lò... tạo nên hình ảnh mới, tô đẹp cho thương hiệu du lịch Nghệ An.
Thách thức và giải pháp
Nhận thức rõ sự lên ngôi của xu hướng kinh doanh du lịch trực tuyến, phù hợp với chuyển biến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp du lịch ở Nghệ An đang loay hoay trong “cơn bão” công nghệ.
Hiện nay, ở nhiều doanh nghiệp, việc liên hệ tổ chức bán các sản phẩm vẫn được triển khai chủ yếu theo phương pháp truyền thống; mức độ tương tác với khách hàng qua “kênh” Internet còn hạn chế. Nguyên nhân chính được chỉ ra là do các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn đầu tư không nhiều, nhân sự ít về số lượng và thấp về chất lượng, nhất là nhân lực có chuyên môn, kỹ năng về kinh doanh trên Internet.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch cũng còn thiếu những buổi đào tạo, bồi dưỡng cho các doanh nghiệp về lĩnh vực công nghệ thông tin, ứng dụng trong công tác quản trị doanh nghiệp, quảng bá và xúc tiến sản phẩm dịch vụ thông qua thương mại điện tử. Thậm chí, ngay cả website chính thức của du lịch Nghệ An hiện nay cũng không còn đáp ứng được yêu cầu tương tác của du khách, giao diện kém thân thiện, cần sớm được nâng cấp, cập nhật.
Để không đứng ngoài cuộc cách mạng công nghệ số, các doanh nghiệp đã nêu lên rất nhiều đề xuất. Ông Lê Văn Bình - Giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn - Kim Liên nói: “Cơ quan xúc tiến du lịch cần đa dạng hóa các nền tảng website để thân thiện với thiết bị di động, ứng dụng quảng bá qua các video và sử dụng truyền thông facebook hiệu quả để nâng cao hiệu quả e-marketing và e-commerce trong hoạt động du lịch. Ngoài ra, cần đầu tư đặt các camera lớn ở các điểm du lịch nổi tiếng để khách tự chụp ảnh. Các ảnh này sẽ được chuyển trực tiếp về các website liên quan để bầu chọn hoặc trao giải ảnh đẹp...”. |
Còn ông Võ Hồng Sáng - Giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành quốc tế Thái Sơn nêu ý kiến: “Chúng tôi đề xuất xây dựng các ứng dụng di động, hay lập ra một bộ phận tiếp nhận và phản hồi ý kiến của du khách trên mạng xã hội hay website du lịch nổi tiếng như TripAdvisor... Đó là cách ngắn nhất để tạo nên sự tương tác, thu hút du khách”.
Đánh giá tầm quan trọng của kinh doanh du lịch trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và giảm thiểu những tác động tiêu cực của làn sóng này ở Việt Nam.
Trong đó nêu rõ, du lịch là một trong những ngành kinh tế được ưu tiên xây dựng chiến lược chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy du lịch thông minh. Đây là định hướng chính sách quan trọng cho ngành du lịch hướng tới các mục tiêu do Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn đã đặt ra.
5 định hướng chính nhằm ứng dụng CNTT trong ngành du lịch tiếp cận Cách mạng Công nghiệp 4.0, gồm: Đẩy mạnh số hóa công tác quản lý ngành du lịch, phát triển chính quyền điện tử hướng tới du lịch bền vững; Đổi mới hoạt động quảng bá xúc tiến, áp dụng công nghệ số và thiết bị số tiên tiến; Tạo điều kiện cho doanh nghiệp hợp tác Công- Tư, phát triển trên nền tảng số hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong việc cung cấp dịch vụ du lịch; Đổi mới phương thức quản lý điểm đến kết hợp số hóa, chia sẻ và làm giàu dữ liệu điểm đến nhằm phát huy nội hàm văn hóa, giá trị gia tăng về du lịch, cải thiện yếu tố môi trường và hạ tầng phục vụ du lịch; Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực du lịch dựa trên nền tảng công nghệ.. |
Phước Anh