1. Năm Đinh Hợi (214 TCN): Tướng Đồ Thư của nhà Tần xua quân theo đường sông Kỳ Cùng (Lạng Sơn) tiến vào xâm chiếm nước ta. Trước khí thế của địch, người Việt rút vào rừng sâu tiếp tục chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Thục Phán An Dương Vương. Quân Tần truy kích nhưng vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của người Việt đánh tập kích bất ngờ bằng cung nỏ, làm tổn thất nhiều binh lính của Đồ Thư. Cuộc chiến chống Tần của người Việt diễn ra trong nhiều năm. Quân Tần rơi vào thiếu lương thực, tiến hay lui đều bị người Việt bủa vây. Năm 208 trước công nguyên, tướng Đồ Thư bị giết, nhà Tần phải bãi binh, Thục Phán An Dương Vương lên ngôi, định đô ở Cổ Loa (Hà Nội ngày nay). 2. Năm Quý Hợi (543), Phạm Tu đánh bại quân Lâm Ấp quấy nhiễu: Sau khi Lí Bí đánh đuổi quân Lương, giành quyền làm chủ toàn bộ Giao Châu, năm 543, vua Lâm Ấp là Rudravarman I dẫn quân xuống cướp phá vùng Cửu Đức (Hà Tĩnh ngày nay). Nhận lệnh của Lý Bí, Phạm Tu cầm quân xuống đánh tan quân Lâm Ấp, ổn định biên giới phía Nam. Sau thắng lợi, Lí Bí xưng đế, dựng nước Vạn Xuân năm 544. 3. Năm Kỷ Hợi (939) - Ngô quyền xưng vương, mở nền độc lập nghìn năm: Sau chiến thắng Bạch Đằng, mùa xuân năm 939, Ngô Quyền xưng vương, xây dựng nhà nước tự chủ, trở thành vị vua sáng lập nhà Ngô. Theo các tài liệu lịch sử, mùa xuân, vua bắt đầu xưng vương, lập Dương thị làm hoàng hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục, dựng ra nghi lễ triều đình, định các sắc áo mặc, đóng đô ở Cổ Loa thành. 4. Năm Đinh Hợi (1287) - Quân Mông - Nguyên xâm lược nước ta lần thứ hai: Sau 2 lần bị nhà Trần đánh bại, đế chế Mông - Nguyên vẫn chưa chịu từ bỏ dã tâm xâm chiếm nước ta. Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", cuối năm 1287, hoàng đế nhà Nguyên sai con là Thoát Hoan mang quân sang xâm lược nước ta theo các hướng thủy và bộ. Tuy vậy, đạo quân xâm lược này nhanh chóng bị quân dân nhà Trần, dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo, đánh bại. Đỉnh cao trong cuộc chiến này chính là chiến thắng Bạch Đằng lần thứ ba vào tháng 3/1288. 5. Năm Đinh Hợi (1407) - Nhà Hồ thất bại, đất nước bị quân Minh xâm chiếm: Sau khi truất ngôi nhà Trần, cha con Hồ Quý Ly không ngừng xây dựng quân đội, rèn luyện vũ khí, xây dựng các tuyến phòng thủ để chống lại quân Minh. Tuy nhiên, do không được nhân dân ủng hộ, cuộc kháng chiến của nhà Hồ nhanh chóng thất bại, đất nước bị quân Minh đô hộ tới 20 năm. Sự thất bại của cha con Hồ Quý Ly là bài học đắt giá cho hậu thế, đúng như Tướng quốc Hồ Nguyên Trừng từng nói rằng: "Thần không sợ đánh giặc, chỉ sợ lòng dân không theo". 6. Năm Kỷ Hợi (1479) - Đánh bại xứ Lão Qua và Bồn Man quấy nhiễu: Dưới thời Hậu Lê, Lão Qua và Bồn Man thuộc vùng Thượng Lào thường xuyên đem quân quấy nhiễu nước ta. Để bảo vệ biên giới, năm 1479, Lê Thánh Tông xuống chiếu chinh phạt. Vua cùng các tướng chỉ huy 5 đạo quân, huy động quân số lên đến 180.000, chia làm 5 đường, đánh bại vào Lão Qua và Bồn Man, ổn định biên giới rồi rút quân về. 7. Năm Đinh Hợi (1527) - Mạc Đăng Dung lập triều Mạc: Giữa năm 1527, Mặc Đăng Dung bắt vua Lê Cung Hoành chiếu truyền ngôi cho nhà Mạc, đặt niên hiệu là Minh Đức. Trong giai đoạn đầu nắm quyền, nhà Mạc xây dựng một đất nước vững mạnh, ổn định về nhiều mặt, đặc biệt là ở lĩnh vực khoa cử, tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên, về sau, triều Mạc suy yếu, cuối cùng bị các chúa Trịnh đánh bại vào năm 1677. 8. Năm Tân Hợi (1611) - Nguyễn Hoàng xác lập chủ quyền ở Phú Yên: Năm 1611, do quân Chăm Pa tiếp tục quấy nhiễu vùng biên giới Hoa Anh, Nguyễn Hoàng sai tướng Văn Phong mang quân đi dẹp, quân Chăm Pa nhanh chóng bị đánh bại trước lực lượng của chúa Nguyễn. Vua Po Nit của Chăm Pa phải rút quân xuống phía Nam đèo Cả. Sau đó, vùng đất Hoa Anh này được lập thành phủ Phú Yên gồm hai huyện Tuy Hòa và Đồng Xuân, giao cho Lương Văn Chánh làm tham tướng và Văn Phong làm lưu thủ 9. Năm Đinh Hợi (1947) - Chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông 1947: Chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông 1947 được xem là một trong 3 thắng lợi về mặt quân sự lớn nhất trong kháng chiến chống Pháp. Với chiến thắng này, quân ta đã đánh bại hoàn toàn chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của người Pháp, buộc kẻ địch phải chuyển sang đánh lâu dài, mở ra cơ hội giúp chúng ta có thời gian và điều kiện để vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, tạo tiền đề cho những thắng lợi quân sự tiếp theo sau này.