Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4 về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 6/6/2013.

 Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, quy mô lớn và hiện đại

là một trong 9 lĩnh vực được ưu tiên sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi.

Ảnh: tuyengiao.vn

Theo đó, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ gồm: ODA bao gồm ODA viện trợ không hoàn lại (không phải hoàn trả cho nhà tài trợ) và ODA vốn vay (phải hoàn trả cho nhà tài trợ với các điều kiện ưu đãi về lãi suất, thời gian ân hạn và thời gian trả nợ). Vốn vay ưu đãu là hình thức cung cấp vốn vay có điều kiện ưu đãi hơn so với vay thương mại.

Về nguyên tắc cơ bản trong quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, Nghị định nhấn mạnh, đây là nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước được sử dụng để thực hiện các mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ODA và vốn vay ưu đãi trên cơ sở phân cấp gắn với trách nhiệm, quyền hạn, năng lực quản lý và tính chủ động của các ngành, các cấp; việc thu hút, quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi phải được xem xét, cân đối và lựa chọn trong tổng thể các nguồn vốn đầu tư phát triển nhằm đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất; bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc cung cấp ODA và vốn vay ưu đãi trong việc sử dụng nguồn vốn này; tạo điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân tiếp cận vốn ODA và vốn vay ưu đãi…

Cũng theo Nghị định, 9 lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi gồm:

1. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, quy mô lớn và hiện đại, bao gồm hạ tầng giao thông (đường bộ, đường sắt, sân bay, cảng biển và đường thủy nội bộ); hạ tầng đô thị (giao thông đô thị, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị, hạ tầng cấp điện đô thị); hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; hạ tầng năng lượng (ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới); hạ tầng thủy lợi và đê điều.

2. Phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, bao gồm văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, dạy nghề, an sinh xã hội, giảm nghèo, dân số và phát triển.

3. Phát triển khoa học và công nghệ cao, công nghệ nguồn và phát triển khoa học công nghệ trong một số lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm, kinh tế tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao.

4. Phát triển nông nghiệp và nông thôn, bao gồm chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế nông nghiệp, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

5. Tăng cường năng lực thể chế và cải cách hành chính.

6. Bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.

7. Hỗ trợ thúc đẩy thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng, du lịch và một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

8. Hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

9. Một số lĩnh vực ưu tiên khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tiếp cận nguồn vốn ODA với điều kiện: Khu vực tư nhân phải có năng lực tổ chức quản lý thực hiện chương trình, dự án của chủ dự án phải được cơ quan chủ quản chương trình, dự án hoặc cơ quan cho vay lại xác nhận.

Đối với trường hợp vay lại vốn ODA và vốn vay ưu đãi thì phương án tài chính của chương trình, dự án và năng lực tài chính của chủ dự án phải được thẩm định phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Khu vực tư nhân có thể tiếp cận vốn ODA và vốn vay ưu đãi qua các hình thức gồm: Vay vốn từ hệ thống các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước thông qua các chương trình, dự án hạn mức tín dụng hoặc hợp phần tín dụng được tài trợ bằng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi để thực hiện các hoạt động phù hợp với điều ước quốc tế về các nguồn vốn này và tuân thủ quy trình cho vay của tổ chức tài chính, tín dụng.

Tham gia thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ theo hình thức ngân sách nhà nước cho vay lại.

Tham gia thực hiện các chương trình, dự án theo hình thức đối tác công tư, trong đó Chính phủ góp bằng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Tham gia thực hiện các chương trình, dự án có mục tiêu hỗ trợ khu vực tư nhân của cơ quan chủ quản chương trình, dự án./.

Theo (ĐCSVN) – L.T