Trưởng ban kiểm soát thiên tai tại Hội Chữ thập Đỏ Indonesia, Arifin Muhammad Hadi, xác nhận con số thương vong. Ông cho biết, hàng trăm người đã được đưa đến các bệnh viện địa phương và hàng nghìn ngôi nhà bị hư hỏng nặng.
Vụ động đất chiều tối 5/8 xảy ra ở độ sâu 31 km gần Loloan, phía Bắc đảo Lombok. Phía Tây Bali cũng cảm thấy rõ dư chấn của động đất.
Đây là trận động đất thứ hai xảy ra tại Lombok trong vòng một tuần. Hôm 29/7, hòn đảo này cũng đã phải chịu cơn địa chấn mạnh 6,4 độ, khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm du khách leo núi mắc kẹt.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết, dư chấn mạnh từ 4,3 đến 5,4 độ xảy ra sau trận động đất 7 độ.
Theo Cơ quan Kiểm soát Thiên tai Quốc gia, Hệ thống Cảnh báo Sóng thần Indonesia đã ra cảnh báo sóng thần, nhưng sau cơn địa chấn chính, cơ quan này cũng đã dỡ bỏ lệnh cảnh báo.
“Tất cả mọi người trong khách sạn đều chạy, nên tôi cũng chạy theo. Mọi người đổ ra đường phố. Giới chức yêu cầu mọi người không được hoảng loạn”, Michelle Lindsay, du khách người Australia tại Bali, nói với Reuters.
Bộ Du lịch Indonesia thông báo không có khách du lịch nào “bị thương hoặc bị ảnh hưởng” bởi trận động đất.
Hội Chữ thập đỏ Indonesia cho biết, 4 tình nguyện viên bị thương đã được nhập viện. Nhân viên của tổ chức này đã đưa người dân tới nơi đất cao và khuyên người dân rời khỏi khu vực bờ biển do quan ngại sóng thần, Arifin cho biết.
Haji Rum, Người đứng đầu Cơ quan Kiểm soát Thiên tai Tây Nusa Tenggara trả lời phỏng vấn Metro TV cho hay, bệnh nhân trong các bệnh viện được đưa ra ngoài để đề phòng. Một số khu vực tại Lombok bị cắt điện. Dịch vụ điện thoại bàn và di động đều không hoạt động tại Tanjung, thị trấn gần tâm chấn nhất.
Các bức ảnh đăng trên mạng xã hội cho thấy sân bay Bali chịu nhiều thiệt hại. Hoạt động tại các sân bay của Bali và Lombok lúc đó vẫn đang diễn ra bình thường.
Indonesia nằm trong khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương trải rộng 40.000 km từ Nhật Bản, Indonesia đến California, Mỹ. Hầu hết động đất trên thế giới đều xảy ra trong khu vực lòng chảo này do hoạt động mạnh mẽ của địa chất và núi lửa.