Việt Nam hiện có khoảng 8 triệu người bị nhiễm vi-rút viêm gan B hoặc C và ung thư gan là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở nam giới.
Những con số này được tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đưa ra ngày 28/7 – ngày Phòng chống Viêm gan Thế giới lần thứ 2.
Theo một cuộc điều tra năm 2011, tại Việt Nam, chương trình tiêm chủng viêm gan B đã được thực hiện trong 10 năm qua, giúp giảm tỉ lệ nhiễm vi-rút viêm gan B ở trẻ em 5 tuổi tại Việt Nam xuống còn 2%.
Trong khi đó, những người tiêm chích ma tuý có tỉ lệ nhiễm viêm gan C cao nhất, tới 98,5%.
Do đó, WHO cho rằng gánh nặng bệnh tật do bệnh viêm gan B và C gây ra cho người dân Việt Nam là rất đáng kể. Bởi nhận thức về bệnh này và các yếu tố nguy cơ của chúng còn rất thấp, cùng với đó là việc không được điều trị và không được kiểm soát… đã dẫn tới khoảng 60% trường hợp xơ gan và gần 80% trường hợp ung thư gan sau nhiễm vi-rút viêm gan B hoặc C.
“Việc xây dựng các chính sách quốc gia về chẩn đoán và điều trị viêm gan B và C mãn tính là ưu tiên cấp thiết để ngăn chặn sự phát triển xơ gan và ung thư gan, và để tránh những ca tử vong do viêm gan B và C”, TS Fabio Mesquita, Cố vấn Cấp cao về HIV tại Văn phòng Quốc gia WHO Việt Nam, cho biết.
Hiện WHO cũng đang xây dựng hướng dẫn mới về sàng lọc, chăm sóc và điều trị nhiễm vi rút viêm gan B và C mãn tính và hỗ trợ các quốc gia để người dân được tiếp cận dễ dàng hơn với việc điều trị và với chi phí thấp hơn.
Các đường lây truyền của các loại vi-rút viêm gan rất khác nhau:
Viêm gan B, C và D lâytruyền qua máu của người bị nhiễm
Viêm gan B và C còn lây qua quan hệ tình dục không an toàn.
Viêm gan A và E thường lây truyền qua nguồn nước hoặc thực phẩm bị ô nhiễm.
Viêm gan B và C được quan tâm đặc biệt do phần lớn những người bị nhiễm 2 loại vi-rút này không biểu hiện các triệu chứng ở giai đoạn sớm của bệnh, và chỉ biết mình mắc bệnh khi thấy ốm dai dẳng có thể tới cả vài chục năm sau khi bị nhiễm vi-rút. |