Các lái xe mới thường trở thành nạn nhân của những chuyện hoang đường, từ những lời khuyên sai lầm về vấn đề bảo trì đến những chỉ dẫn thiếu sót về vấn đề an toàn. Dưới đây là bài viết dành cho những người mới làm quen với vô lăng. Nếu bạn là lái xe có nhiều kinh nghiệm, bạn cũng nên liếc qua bài viết và có ý kiến đóng góp với người mới.
Sai lầm số 1: Thay dầu nhờn quá sớm
Nhiều năm qua, các dich vụ bảo dưỡng xe khuyên khách hàng nên thay dầu nhờn mỗi khi đi được 4.800 km, và đã tạo được lòng tin ở nhiều người trong chúng ta. Thay dầu nhờn quá sớm không làm hỏng xe, nhưng làm chúng ta tốn tiền bạc và thời gian.
Xe đời mới thường đòi hỏi thay dầu nhờn mỗi 12.000 km. Một số loại dầu tổng hợp thậm chí còn tuyên bố 24.000 km mới cần thay. Điều này có thể khiến bạn nghĩ là quá dài. Tốt nhất là thay dầu nhờn theo hướng dẫn sử dụng kèm theo xe.
Sai lầm số 2: Sử dụng xăng cao cấp xe mạnh hơn.
Trị số ốc tan 87 được xếp vào loại xăng thông thường, 89 là loại xăng trung bình, trên 92 là xăng cao cấp. Sử dụng loại xăng nào tùy thuộc vào hệ số nén của động cơ, hệ số nén dưới 8:1 nên sử dụng xăng thường, hệ số nén trên 8:1 nên sử dụng xăng trung bình, hệ số nén của động cơ trên 9:1 nên sử dụng xăng cao cấp có trị số ốc tan 92 trở lên.
Xe có hệ số nén cao sử dụng xăng thông thường sẽ gặp hiện tượng kích nổ sớm khiến động cơ bị mất công suất. Ngược lại xe hệ số nén thấp sử dụng xăng cao cấp không hại gì nhưng cũng không tăng được hiệu suất, chỉ tốn tiền vô ích.
Một số người cho rằng xăng cao cấp có thêm phụ gia tẩy rửa làm sạch vòi phun nhiên liệu. Điều này phụ thuộc vào từng quốc gia, ở Mỹ, EPA quy định tất cả các loại xăng đều có phụ gia tấy rửa, không chỉ riêng xăng cao cấp mới có. Vì vậy xe bạn sử dụng loại xăng nào phù hợp? cách tốt nhất là tham khảo hướng dẫn sử dụng kèm theo xe. Đừng bao giờ nghĩ rằng xe chỉ số ốc tan cao hơn là tốt hơn.
Sai lầm số 3: Thường xuyên sử dụng sáp đánh bóng bảng đồng hồ điều khiển và lốp xe.
Qua thời gian sử dụng bảng điều khiển sẽ bị bám bụi và lốp xe bị mất đi độ bóng tuy nhiên sử dụng sáp đánh bóng lợi bất cập hại. Các chuyên gia cho rằng bảng điều khiển bóng loáng sẽ làm chói mắt, ngoài ra hóa chất trong sáp sẽ làm cho bảng điều khiển mau bị lão hóa. Lốp xe cũng thế, hóa chất trong sáp bóng sẽ tẩy đi lớp bảo vệ cao su lốp, khiến lốp mau bị nứt.
Các nhà sản xuất thường sản xuất bảng điều khiển bằng vật liệu bóng mờ để không làm chói mắt. Chỉ nên lau bụi bảng điều khiển bằng khăn ướt và cọ rửa lốp bằng xà phòng nhẹ, bàn chải mềm và nước sạch.
Sai lầm số 4: Trả hộp số về N khi ngừng ở đèn đỏ (đối với số AT).
Chuyện không tưởng này bắt nguồn từ ý tưởng rằng nếu cứ để ở số D (Drive) trong khi đạp phanh sẽ phí phạm xăng và tạo ra những hao mòn không đáng cho hộp số. Thật ra thì việc bào mòn của máy và hao phí xăng rất là ít.
Nếu cứ thường xuyên chuyển từ N sang D, rồi thì đạp ga mỗi khi đèn xanh bật lên có thể bào mòn hộp số, hệ thống truyền động mặc dù chỉ một ít. Nói cho cùng dù có để cần lái ở số D thì cũng chẳng ai đo lường mức độ thiệt hại hay không của nó, chẳng qua là một số tài xế có thói quen với cái tay hay táy máy của mình trên cần lái. Đối với những người này (thích trả về số N khi gặp đèn đỏ) nên lái những chiếc xe hộp số tay.
Sai lầm số 5: Nói chuyện điện qua tai nghe để rảnh tay điều khiển xe là an toàn.
Chuyện xấu hay tốt hãy để bạn tự phán quyết, ở đây chúng tôi chỉ nêu ra số liệu thống kê. Theo Cơ quan An toàn Giao thông, ước tính 1 trong 12 người độ tuổi từ 18 đến 24 luôn sử dụng điện thoại di động khi lái xe. Cảnh sát giao thông cho biết 1/4 tai nạn giao thông do nguyên nhân lái xe bị phân tâm và điện thoại di động góp phần quan trọng. Người gây tai nạn thường không cầm điện thoại di động trên tay và họ cũng không điều khiển xe bằng 1 tay. Điều này chứng tỏ tai nghe không giúp bạn khỏi bị phân tâm.
Sai lầm số 6: Bạn không cần thắt đai an toàn nếu ngồi ghế sau
Rất ít khi ra mặt ủng hộ việc này nhưng hành động của họ thể hiện rõ ràng hơn lời nói. Có 2 nguy cơ do việc không thắt đai an toàn khi ngồi ghế sau : một là chính bản thân họ có thể bị chấn thương nặng khi xe bị lăn tròn. Hai là họ sẽ trở thành viên đạn bắn vào các thành viên khác ngồi trên xe nếu xảy ra va chạm.
Sai lầm số 7: Không khóa cửa để nhân viên cứu hộ dễ đem mình ra sau khi xảy ra tai nạn.
Điều này nghe có vẻ hợp lý, phải không? Không. Không khóa cửa có thể khiến bạn bị văng khỏi xe khi xẩy ra va chạm, mỗi năm ở Mỹ có khoảng 10.000 người bị tử vong do văng khỏi xe. Cửa xe của một số xe đời mới có thể sẽ tự động mở khóa khi túi khí được kích hoạt, và thậm chí cửa vẫn bị khóa, nhân viên cứu hộ vẫn có thể phá cửa để tiếp cận với hành khách trong xe. Khóa cửa là biện pháp tốt để bảo vệ hành khách trong xe.
Sai lầm số 8 : Cầm vô lăng quá thấp
Hãy đọc và làm theo lời khuyên của NHTSA : Tay lái không hướng vào đầu mà hướng vào xương ức với khoảng cách khoảng 16 cm. Nhưng hãy coi chừng,nếu để tay lái thấp quá và tài xế có thói quen lái 1 tay có khuynh hướng để tay mình lên đầu tay lái (vị trí 12 giờ) nên khi bị va chạm, túi khí bung ra từ dưới lên có thể làm gẫy tay.
Lưu ý là nên để cả 2 tay lên vô lăng, 1 ở vị trí khoảng 3 giờ và 1 ở vị trí 9 giờ và ngồi thẳng cách tay lái 16 cm là được. Ngồi như thế có thể lúc đầu không được thoải mái, nhưng lâu dầu sẽ quen, có như thế mới cứu được mạng sống của bạn khi bị đụng xe.
Theo.VnMedia