(Baonghean.vn) - Năm 2018 được dự đoán sẽ là năm đầy biến động của thị trường ôtô Việt Nam do áp dụng nhiều chính sách mới. Những quy định này sẽ góp phần tác động đến giá bán cũng như việc đăng kiểm sử dụng ôtô.

1. Giảm thuế nhập khẩu linh kiện ôtô về 0%

1514865200404.jpgDoanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước sẽ được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện ô tô 0%, nếu đạt được các điều kiện theo quy định.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, trong đó chính thức thông qua việc áp thuế ưu đãi 0% đối với linh kiện ôtô nhập khẩu (nhóm hàng 98.49) trong biểu thuế, áp dụng từ 1/1/2018.

Đối tượng được áp dụng chương trình ưu đãi thuế là các doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô theo quy định của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải cam kết sản xuất, lắp ráp xe ôtô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 (giai đoạn từ 2018 đến 2021) và Euro 5 (từ năm 2022 trở đi) và đạt đủ sản lượng quy định.

2. Thuế nhập khẩu ôtô từ ASEAN về 0%

Từ đầu năm 2018, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đạt tỉ lệ nội địa hóa nội khối trên 40% từ ASEAN về Việt Nam được hưởng thuế nhập khẩu 0%.

Thực hiện cam kết Hiệp định thương mại tự do (AFT) của các nước ASEAN, thuế nhập khẩu ôtô từ khu vực này về Việt Nam sẽ được về 0% (với xe có tỷ lệ nội địa hóa trong khối từ 40% trở lên) từ 1/1/2018.

Theo đó, kể từ nay, các mẫu ôtô được nhập khẩu từ các nước như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia sẽ có thuế nhập khẩu giảm về 0% với tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm trong khối từ 40% trở lên.

Những mẫu xe Việt Nam đang nhập nhiều từ các nước ASEAN như các dòng bán tải, Toyota Fortuner, Honda CR-V, Ford Everest hay Toyota Yaris.

3. Nghị định 116 có hiệu lực

Từ 1/1/2018, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải đáp ứng các quy định mới theo Nghị định 116.

Kể từ 1/1/2018, Nghị định 116/2017 quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu linh kiện và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô đã được Chính phủ ban hành sẽ có hiệu lực. 

Trong Nghị định nêu rõ các điều kiện mà các doanh nghiệp phải đáp ứng đủ mới được phép nhập khẩu xe ô tô gồm: Có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô theo đúng tiêu chuẩn (có thể đi thuê), doanh nghiệp phải có giấy ủy quyền triệu hồi từ nhà sản xuất nước ngoài, có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại từ nơi sản xuất, doanh nghiệp phải cam kết linh kiện, phụ tùng đúng chuẩn xe, phải kiểm tra chất lượng 1 xe trong mọi lô hàng nhập khẩu, chế độ bảo hành tối thiểu 2 năm hoặc 50.000 km đối với ô tô con nhập khẩu đã qua sử dụng, có đủ giấy tờ nhập khẩu theo quy định.

Ngoài ra với các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất ôtô trong nước phải xây dựng đường chạy thử dài tối thiểu 800m, xe phải có chế độ bảo hành tối thiểu 3 năm hoặc 100.000 km…

4. Bổ sung quy định nhập khẩu đối với ôtô đã qua sử dụng

Giá ô tô đã qua sử dụng nhập về Việt Nam sẽ tăng cao trong năm 2018.

Cũng theo Nghị định 125 sửa đổi, Chính phủ thay đổi về Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Cụ thể, đối với ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi lanh không quá 1.0L sẽ được áp dụng mức thuế tuyệt đối ở mức 10.000 USD/xe, tăng gấp đôi so với hiện nay. Đối với ô tô chở người có dung tích xi lanh từ 1.0L trở lên và các loại xe ô tô chở người từ 10 - 15 chỗ ngồi kể cả lái xe thuộc nhóm hàng 87.02 áp dụng mức thuế hỗn hợp. 

Ôtô trang bị động cơ có dung tích xi lanh từ 1.5L đến dưới 2.5L, mức tính thuế hỗn hợp sẽ bao gồm giá tính thuế của ôtô đã qua sử dụng nhân mức áp thuế từ 150% đến 200% và cộng thêm 10.000 USD/xe.

Các xe dùng động cơ có dung tích xi lanh từ 2.5L trở lên, mức thuế nhập khẩu sẽ được tính theo giá tính thuế xe ôtô qua sử dụng nhân với thuế suất 150% đến 200%, cộng thêm số tiền 15.000 USD/xe.

5. Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt thêm 5% với ô tô dưới 2.0L

Từ năm 2018, thuế TTĐB với ô tô 9 chỗ trở xuống, trang bị động cơ có dung tích động cơ dưới 2.0L sẽ giảm 5% so với trước đây.

Theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, từ 1/1/2018, các mẫu xe du lịch từ 9 chỗ trở xuống có dung tích xy lanh từ 2.0L trở xuống sẽ được giảm 5% thuế tiêu đặc biệt.

Như vậy, mức thuế tiêu thụ đặc biệt của các mẫu xe có dung tích xy lanh từ 1.5L - 2.0L giảm còn 40% thay vì 45% như trước. Tương tự, các mẫu xe có dung tích xy lanh từ 1.5L giảm còn 35%.

6. Xử phạt người ngồi sau ô tô không thắt dây an toàn

Từ 1/1/2018, người ngồi ở hàng ghế phía sau của ô tô không thắt dây an toàn sẽ bị xử phạt.

Từ 1/12018, người ngồi ở hàng ghế phía sau của ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy sẽ bị xử phạt.

Cụ thể, điểm k, khoản 1 điều 5 của Nghị định nêu, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi “không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy”. Bên cạnh đó, theo điểm l, khoản 1, điều 5, hành vi “chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy” cũng bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

Mục đích của quy định này là nhằm bảo vệ tính mạng cho người ngồi trên ô tô khi xe đang chạy. Thực tế, rất nhiều trường hợp ngồi trên ô tô đang lưu thông nhưng không thắt dây an toàn, khi xảy ra tai nạn dẫn đến chấn thương nặng, thậm chí tử vong do va đập, văng ra khỏi xe.

7. Ô tô dưới chuẩn khí thải Euro 4 không được kiểm định

Từ 1/1/2018, ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 mới được kiểm định.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 436 ngày 28/3/2017 và của Bộ GTVT về thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ôtô, xe gắn máy.

Kể từ 1/1/12018, Cục Đăng kiểm Việt Nam dừng tiếp nhận đăng kiểm, cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật đối với xe ôtô sản xuất, lắp mới hoặc nhập khẩu mới, sử dụng nhiên liệu diesel có mức khí thải không đạt tiêu chuẩn Euro 4 trở lên.

Đối với các phương tiện sử dụng nhiên liệu diesel, các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất lắp ráp ôtô phải có kế hoạch nhập khẩu, sản xuất bảo đảm việc hoàn thành các thủ tục hải quan, đăng kiểm và đưa ra thị trường trước ngày 31/12/2017. Sau thời điểm này nếu không hoàn thành phải tái xuất hoặc xuất khẩu phương tiện.

8. Tăng giá phí trông giữ xe ôtô tại Hà Nội

Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa ký ban hành giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, xe ôtô trên địa bàn thành phố Hà Nội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018.

Theo đó, các mức phí trông ôtô theo lượt cũng như theo tháng đều tăng mạnh. Đơn cử, giá trông giữ ôtô tại các quận tăng lên mức tối đa từ 30.000 - 35.000 đồng/xe/lượt. Tại một số tuyến phố trung tâm, giá trông giữ xe dưới 9 chỗ theo tháng (cả ngày, đêm) có thể lên tới 3.000.000 - 4.000.000 triệu đồng/ô tô/tháng.

Đối với dịch vụ trông giữ xe được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, chủ đầu tư căn cứ chi phí thực tế tại từng điểm trông giữ phương tiện giao thông để xây dựng mức giá theo hướng dẫn tại Thông tư số 25/2014/TT- BTC ngày 17/02/2014 của Bộ Tài chính và quyết định lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ nhưng không được cao hơn mức giá thành phố quy định, tránh gây tác động ảnh hưởng đời sống nhân dân.

Ngọc Anh

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN