(Baonghean) - Những năm qua, cùng với việc xây dựng nông thôn mới, phong trào xây dựng làng văn hóa được huyện Nghi Lộc tập trung đẩy mạnh, đặc biệt là xây dựng thiết chế văn hóa. Qua đó, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao.

Để phong trào xây dựng “Làng văn hoá” đi vào cuộc sống, năm 2015 UBND huyện Nghi Lộc đã xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả và chất lượng xây dựng Làng văn hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2015 - 2020, với 8 giải pháp. Trong đó, trọng tâm là xây dựng con người văn hóa, hướng tới chân - thiện - mỹ, làm hạt nhân để xây dựng vững chắc "Gia đình văn hóa", từ đó đưa phong trào xây dựng làng văn hóa thực sự đi vào chất lượng, gắn chặt với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.  

images1848621_5c.jpgGiao lưu bóng chuyền ở xã Nghi Lâm (Nghi Lộc).

Tại xã Nghi Phong, căn cứ hướng dẫn cấp trên, Ban chỉ đạo xây dựng làng, đơn vị văn hóa xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể và phong trào xây dựng làng văn hóa là nội dung thi đua trọng tâm của địa phương. Xã phân công các thành viên trong ban chỉ đạo phụ trách các xóm, trực tiếp tham gia các cuộc họp ban công tác Mặt trận, họp dân để tuyên truyền chủ trương, kế hoạch xây dựng làng văn hóa đến từng hộ gia đình.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của thành viên ban chỉ đạo xã, các xóm đã triển khai các nội dung xây dựng làng văn hóa theo kế hoạch đảm bảo công khai, dân chủ và tạo sự đồng thuận cao của nhân dân. Để kịp thời khuyến khích các xóm, UBND xã tham mưu cho HĐND xã ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng làng văn hóa.

Theo đó, mỗi xóm đăng ký xây dựng làng văn hóa được xã hỗ trợ xây mới nhà văn hóa, tu sửa, nâng cấp nhà văn hóa, xây dựng tường bao, sân bóng chuyền, mua sắm bàn ghế nhà văn hóa, hỗ trợ trang trí, mua sắm tủ sách nhà văn hóa, hỗ trợ tổ chức lễ đón nhận danh hiệu làng văn hóa với tổng kinh phí gần 210 triệu đồng. Sự đầu tư hỗ trợ kịp thời của xã đã động viên người dân các xóm tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng làng văn hóa tại khu dân cư.

Điển hình như xóm Phong Hưng, dù số hộ ít, người dân hầu như chỉ sản xuất nông nghiệp, đời sống còn khó khăn nhưng vẫn đóng góp tích cực để hoàn thành các thiết chế như nhà văn hóa, khuôn viên nhà văn hóa, sân bóng chuyền, trồng cây xanh..., hộ nhiều mỗi năm đóng góp đến 3,5 triệu đồng, hộ ít cũng 1,2 triệu đồng.

Ông Nguyễn Đình Hùng - Xóm trưởng xóm Phong Hưng chia sẻ: “Điều quan trọng là phải công khai, dân chủ từ kế hoạch xây dựng đến mức huy động đóng góp cũng như quyết toán công trình. Trước hết là phải thống nhất trong chi bộ, mặt trận, các đoàn thể, sau đó mới đưa ra xóm thống nhất chung. Phải làm dự toán xem công trình đó hết bao nhiêu, lấy ý kiến đồng thuận nhất trí rồi mới thu tiền để làm. Có khi thu được 50% thì xóm bỏ tiền ra làm rồi thu tiếp của dân 50% sau”.

Nhờ các giải pháp đồng bộ, năm 2016, xã Nghi Phong đã xây dựng thêm 4 xóm: Phong Hưng, Phong Mỹ, Phong Lạc  và Phong Văn đạt danh hiệu làng văn hóa, nâng tổng số làng văn hóa toàn xã lên 19/22 làng, đạt tỷ lệ 86,4%. Ngoài ra, địa phương còn có 4/4 đơn vị trường học, trạm y tế đạt danh hiệu “Đơn vị văn hóa” và 2 dòng họ đạt “Dòng họ văn hóa”. 

Với việc đầu tư đồng bộ thiết chế văn hóa, thông tin thể thao đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nghi Lộc. Tại xã Nghi Long, hiện nay 16/16 xóm đều đã xây dựng được nhà văn hóa khang trang với khuôn viên rộng rãi cùng với sân bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn…

Chị Nguyễn Thị Ngại - người dân xã Nghi Long cho biết: “Từ ngày hệ thống thiết chế văn hóa thể thao đồng bộ của xóm được đầu tư, nâng cấp, phong trào thể thao của xóm phát triển hơn trước rất nhiều, chúng tôi có dịp giao lưu, giải trí lành mạnh sau một ngày làm việc vất vả”.  

Ông Nguyễn Tứ Ngọc  - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Long cho biết: “Hàng năm chúng tôi chỉ đạo 16 xóm tiếp tục củng cố và xây dựng thiết chế văn hóa thông tin thể thao đạt chuẩn, nguồn lực chúng tôi huy động từ xã hội hóa, toàn thể nhân dân có trách nhiệm đóng góp. Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ đối với nhân dân nên có một số con em mọi miền đất nước làm ăn thành đạt, các doanh nghiệp đã ủng hộ xây dựng đồng thời đầu tư một số sân bóng đá mi ni trên địa bàn xã”.

Với mục tiêu đến năm 2020, toàn huyện có 75% xóm được công nhận danh hiệu "Làng văn hóa", trong đó  60 - 65% số làng văn hóa giữ vững danh hiệu 5 năm trở lên, năm 2017, UBND huyện Nghi Lộc đã xây dựng cơ chế hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, cụ thể: Hỗ trợ cho các xóm chưa có nhà văn hóa  xây mới nhà văn hóa xóm với mức 150 triệu đồng/nhà. 

Ngoài ra trình HĐND huyện ban hành cơ chế hỗ trợ ngân sách cho các xóm đạt danh hiệu "Làng văn hóa" để mua sắm thiết chế văn hóa, thể thao với mức: 10 triệu đồng/xóm; hỗ trợ cho các xóm được lựa chọn để xây dựng mô hình Làng văn hóa tiêu biểu với mức 10 triệu đồng/xóm. 

Nhân dân đóng góp ngày công làm đường giao thông ở xã Nghi Kiều (Nghi Lộc).

Cùng với đó, huyện cũng đẩy mạnh xây dựng mô hình xã hội hóa thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn. Đến nay, 30/30 xã, thị đều có quy hoạch sử dụng đất cho hoạt động văn hóa thể thao, 30/30 xã, thị trấn có nhà văn hóa khang trang đạt chuẩn. Đặc biệt, năm 2016, UBND huyện đã chỉ đạo xây dựng thành công mô hình “Làng văn hóa tiêu biểu” cấp tỉnh tại xóm Thái Hưng, xã Nghi Thái  (1 trong 2 mô hình của tỉnh).

Ông Nguyễn Đình Dương - Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nghi Lộc cho biết: "Trong năm 2017, Nghi Lộc quyết tâm xây dựng từ 10 - 15 làng văn hóa. Hiện nay, Phòng Văn hóa - Thông tin tiếp tục  chỉ đạo cơ sở đẩy mạnh thực hiện Đề án 03 của UBND huyện về nâng cao hiệu quả và chất lượng xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa. Trong đó, mỗi xã chọn ít nhất 1 xóm để xây dựng mô hình "Làng văn hóa tiêu biểu". Đồng thời tổ chức thẩm định công nhận lại các danh hiệu làng văn hóa. Lồng ghép các chương trình, dự án trong xây dựng nông thôn mới; kịp thời, chỉ đạo các xã tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa, đồng thời dành một phần ngân sách phù hợp cũng như công tác quy hoạch đất đai để đảm bảo cho việc hoàn thiện thiết chế văn hóa thông tin thể thao đồng bộ".

Thu Hiền 

(Đài Nghi Lộc)

TIN LIÊN QUAN