(Baonghean.vn) - Nắm bắt được tâm lý, nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng, nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch ra đời và ngày càng phát triển. Song, kinh doanh lĩnh vực này không phải dễ. Dưới đây là những bí quyết hữu ích để khởi nghiệp lĩnh vực thực phẩm sạch thành công.
1. Khảo sát thị trường
Một số nội dung bạn cần khảo sát và phân tích: Thói quen, nhu cầu mua thực phẩm của người dân; loại thực phẩm nào được người dân sử dụng nhiều nhất; thu nhập, mức sống trung bình của người dân như thế nào?; có nhiều cửa hàng bán thực phẩm sạch online chưa, chế độ bán hàng của họ như thế nào? cách thức hoạt động của họ có những ưu, nhược điểm gì?…
2. Chọn địa điểm
Điều này sẽ quyết định tới 40% sự thành công của mô hình kinh doanh. Địa điểm nên ở khu vực tập trung dân cư có thu nhập tốt; gần trường học, chợ hoặc nơi đông nhân viên văn phòng. Với những khu đô thị xa chợ và siêu thị, bạn nên mở cửa hàng ở tầng một của khu chung cư để thuận tiện cho người dân.
Diện tích cửa hàng nên đủ rộng để trưng bày đa dạng sản phẩm; mặt tiền nên có bóng râm để tránh ánh nắng rọi trực tiếp vào cửa hàng, dễ làm hỏng thực phẩm bày bán bên trong.
3. Vốn đầu tư
Trong thực tế, nhiều cửa hàng được mở ra với số vốn khiêm tốn nhưng nhờ phương pháp vận hành tốt mà doanh thu ngày một tăng; bên cạnh đó, cũng có cửa hàng đầu tư tới cả tỷ đồng tiền vốn nhưng sau vài tháng thì đóng cửa. Việc trụ vững trên thị trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng quan trọng là quyết tâm, phương pháp của người chủ.
4. Tìm kiếm nguồn hàng
Nguồn cung hàng hóa nên ưu tiên những nơi gần với cửa hàng để giúp thực phẩm luôn tươi ngon, cũng như tiết kiệm được chi phí vận chuyển và thời gian.
Trước khi nhập hàng, cần tìm hiểu cách bảo quản từng loại thực phẩm, hiểu rõ về quy trình sản xuất, năng lực nhà cung cấp; ký hợp đồng cam kết hợp tác chặt chẽ để gắn trách nhiệm của nhà sản xuất với sản phẩm của họ.
Nên tập trung vào những dòng sản phẩm sản xuất theo phương pháp hữu cơ, sản phẩm tự nhiên, đặc sản vùng miền theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap đã được Cục quản lý chất lượng cấp phép.
5. Thiết kế website bán hàng chuyên nghiệp
Ngay khi tìm được nguồn hàng, bạn nên lập trang web giới thiệu về cửa hàng, đăng thông tin sản phẩm. Đây là cách đơn giản, dễ dàng nhất để bạn biết được sản phẩm của mình có được người tiêu dùng ưa chuộng về chất lượng, giá cả và có khả năng đầu tư mạnh vốn để mở cửa không?
Trang web đẹp, đầy đủ thông tin các loại thực phẩm sẽ giúp thương hiệu của bạn có uy tín và phát triển.
Bạn cũng nên lập Fanpage để dễ dàng tiếp cận với cộng đồng mạng xã hội này, vừa không tốn chi phí mà lại vô cùng hiệu quả. Những bà mẹ trẻ bận rộn, những nhân viên văn phòng công sở không có thời gian đi mua đồ ăn,…thường chọn cách mua đồ online. Hãy cập nhật thường xuyên hàng hóa lên Fanpage để khách hàng có thể biết. Lưu ý admin phải trả lời nhanh, khéo léo những đơn đặt hàng và khi có khách hàng phản hồi.
6. Tuyển nhân viên
Những ngày đầu, chủ cửa hàng nên là người trực tiếp làm việc tại đây và chỉ cần tuyển thêm 2 - 3 nhân viên chính như thu ngân, bán hàng kiêm sơ chế thực phẩm, người vận chuyển kiêm lấy hàng.
Ban đầu, do lượng khách chưa nhiều nên chủ cửa hàng cần tận dụng thời gian để đào tạo nhân viên, giúp họ trở nên linh hoạt. Sau khoảng vài tháng, khi đã hiểu về các công việc, chủ cửa hàng có thể đào tạo lại cho người khác làm thay mình, tiếp nhận vị trí quản lý chung.
7. Marketing
Trước khi mở cửa hàng, chủ cơ sở phải chuẩn bị tờ rơi để giới thiệu, đồng thời tìm hiểu thói quen mua sắm, nhu cầu, tạo mối quan hệ với người dân khu vực và chính quyền địa phương. Điều này sẽ tạo nên kênh marketing truyền miệng hiệu quả tại khu vực đặt cửa hàng, từ đó, người dân xung quanh sẽ nhanh chóng tìm đến.
Ngoài ra, chủ cửa hàng cũng nên tạo kênh marketing và bán hàng online trước khi khai trương thông qua website, Facebook, Zalo…, để quảng bá thương hiệu tới khách hàng.
8. Trang trí cửa hàng
Cửa hàng nên được thiết kế bằng những gam màu sáng, thiên về tự nhiên như xanh lá cây hoặc trắng, nhằm tạo cảm giác sạch. Tránh những gam màu tối vì sẽ gây phản ứng ngược, không bắt mắt.
Phía bên ngoài cửa hàng cần có các hệ thống biển để thu hút sự chú ý của khách hàng; bên trong nên treo hình ảnh chủ cơ sở đi thực tế tại các nơi cung cấp nguồn thực phẩm; giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ thực phẩm; một vài câu nói thể hiện sứ mệnh, tâm huyết của chủ cửa hàng. Việc làm này sẽ giúp người mua thêm tin tưởng vào chất lượng của sản phẩm được bày bán.
Ngọc Anh
(Tổng hợp)