(Baonghean.vn) - Sáng 9/1, Bộ Tài nguyên – Môi trường tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017.
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trịnh Đình Dũng – Phó Thủ tướng Chính phủ và Trần Hồng Hà – Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường chủ trì hội nghị. Tham gia hội nghị có đại diện các ban, ngành Trung ương và điểm cầu 63 tỉnh, thành phố cả nước.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Duy Việt – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Ngoài việc đánh giá khách quan những ưu điểm mà ngành đạt được trong năm 2016, đề nghị các đại biểu tham gia thảo luận tập trung phân tích các nguyên nhân chủ quan, những tồn tại, hạn chế trong năm và đề ra các giải pháp nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý thuộc ngành; giải quyết các vấn đề bức xúc liên quan đến khoáng sản, môi trường, đất đai… trong năm 2017.
Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 do Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa trình bày, khẳng định: Bộ tiếp tục tập trung tham mưu xây dựng và ban hành hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên – môi trường.
Cụ thể, đã hoàn thiện dự án Luật Đo đạc và bản đồ để trình Chính phủ; 14 nghị định; ban hành theo thẩm quyền 50 Thông tư và phối hợp ban hành 8 Thông tư liên tịch. Công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm gắn với những vấn đề bức xúc từ thực tiễn, có sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương.
Trong năm, toàn ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 1.816 cuộc và xử phạt vi phạm hành chính hơn 60 tỷ đồng; thu hồi 5.348 ha đất và 59 tỷ đồng. Từ Bộ đến các địa phương chú trọng công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến lĩnh vực ngành quản lý.
Cụ thể đã tiếp 7.000 công dân; tiếp nhận 11.500 đơn thư, trong đó có 7.500 đơn thư có điều kiện và đã giải quyết 5.600 đơn thư, đạt 75% số vụ thuộc thẩm quyền. Đặc biệt, ngành đã tập trung xử lý sự cố môi trường biển từ Formosa và hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường triệt để đối với 562/874 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tại hội nghị, 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều địa phương khác đã thảo luận, chia sẻ nhiều kinh nghiệm và giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ quản lý của ngành, từ việc huy động cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng xã hội quan tâm, nhất là thu hút tư nhân vào lĩnh vực xử lý chất thải, bảo vệ môi trường sống đến việc cải cách hành chính, thủ tục hành chính trong giải quyết các lĩnh vực thuộc ngành; biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững...
Qua hội nghị, những giải pháp, bài học kinh nghiệm quý từ các địa phương sẽ được Bộ tiếp thu và nghiên cứu để triển khai trên phạm vi cả nước trong thời gian tới, nhằm đưa hoạt động chung của ngành chuyển biến tích cực hơn.
Mai Hoa