Sau 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm đối với người lớn đã đạt trên 90%, trong khi con số này với trẻ em chỉ đạt từ 30-40%.
Ngày 15/12, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã tổng kết 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.
Sau 10 năm, 2 vấn đề vẫn gây nhức nhối cho các cơ quan quản lý là: tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm quá thấp, trong khi đối tượng này rất cần được bảo vệ và mũ bảo hiểm giả, nhái, kém chất lượng vẫn tràn lan.
Chỉ 30-40% trẻ em đội mũ bảo hiểm
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, sau 10 năm thực hiện triển khai quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, tỷ lệ người dân chấp hành đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đã đạt hơn 90%. Việc đội mũ bảo hiểm góp phần quan trọng trong kết quả giảm số người chết vì tai nạn giao thông xuống dưới 9.000 người mỗi năm cũng như hạn chế nhiều thương tích nặng.
Tuy nhiên, theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em hiện nay còn thấp, ở mức 30-40%.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Trưởng ban chuyên trách, Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh cho hay, tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm đạt thấp là điều luôn khiến người làm công tác như ông không an tâm.
"Chúng tôi đã tổ chức chiến dịch tuyên truyền đến các trường học, kết hợp với Sở Giáo dục và công an thành phố về việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em. Tỷ lệ trẻ em đội trong chiến dịch lên tới 95% tại khu vực thành thị. Tại các vùng nông thôn, tỷ lệ này nâng từ 30% lên 60% nhưng hết chiến dịch thì không duy trì được. Ở đây cần cả trách nhiệm của cha mẹ các em".
Theo quy định, trẻ em từ 6 tuổi trở lên bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, chỉ tính riêng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng đã xử phạt hơn 500 nghìn trường hợp không đội mũ bảo hiểm, trong đó có 1.920 trường hợp không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em.
Cho rằng tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em ở vùng nông thôn thấp hơn khu vực thành thị và vào các dịp lễ, Tết, tỷ lệ người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm gia tăng, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn- Phó Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho hay, tính từ ngày 15-9-2007 đến ngày 15-11-2017, công an các đơn vị, địa phương đã lập biên bản xử lý vi phạm không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai đối với 6.891.646 trường hợp, chiếm 11,89% tổng số vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ về sức khỏe, tính mạng nên việc thực hiện đội mũ bảo hiểm vô cùng quan trọng. Do đó, cần nâng cao ý thức của toàn xã hội về vấn đề này.
Mũ bảo hiểm kém chất lượng tràn lan
TS Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết, theo nghiên cứu của WHO, tỷ lệ người đội mũ bảo hiểm tại Việt Nam đạt cao nhưng tỷ lệ người cài dây mũ và đội mũ đạt chuẩn chỉ khoảng 70%.
"Đáng chú ý, năm 2013, WHO khảo sát chỉ có 30% mũ bảo hiểm trên thị trường đạt chuẩn. Tuy nhiên, đối với các loại mũ đạt chuẩn, khi chúng tôi tiến hành kiểm tra thì chỉ có 40% đáp ứng tất cả các yêu cầu", TS Kidong Park nói.
Đại diện WHO cho rằng, Việt Nam cần quy định cụ thể, rõ ràng về việc sản xuất, đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn vì hiện tăng trưởng số lượng xe máy tại Việt Nam vẫn cao thứ hai trên thế giới, nhằm bảo vệ tính mạng cho người tham gia giao thông.
Theo ông Hồ Nghĩa Dũng - nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT, mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng vẫn tràn lan là một trong những vấn đề còn nhức nhối. Ông Hồ Nghĩa Dũng đề nghị cần chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm, trong đó chú trọng kiểm tra kiểm soát ở khâu sản xuất. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền về việc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn để quy định này được thực hiện thực sự, tránh hình thức.
Bên lề hội nghị, ông Khuất Việt Hùng cho hay, để thực hiện quy định bắt buộc trẻ em từ 6 tuổi trở lên phải đạt mũ bảo hiểm đạt chuẩn và ngăn chặn mũ bảo hiểm rởm lưu thông trên thị trường thì cần quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về chất lượng mũ bảo hiểm lưu thông trên thị trường. Bộ trưởng Bộ KH-CN phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về mũ bảo hiểm được phép sản xuất đạt chuẩn có trên thị trường. Bên cạnh đó, các ban, ngành cần kết hợp với ngành giáo dục, đưa việc giáo dục về an toàn giao thông thành môn học bắt buộc đối với học sinh.
Theo An ninh Thủ đô