Từ chiến đấu cơ F-16I "Sufa" cho tới hệ thống phòng không tên lửa tối tân Iron Dome đều tụ hội trong danh sách này.
Trang tin National Interest (NI) của Mỹ vừa cập nhật 7 vũ khí siêu hạng của quân đội Israel. Theo NI, đây là những khí tài vượt trội, cả về công nghệ lẫn tính năng, làm cho nhiều nước phải kiền nể, ngại đối đầu.
7. Chiến đấu cơ F-16I "Sufa"
"Sufa" trong tiếng Hebrew có nghĩa "Bão táp", còn I đi sau F-16 có nghĩa Israel. Đây là chiến đấu cơ hai chỗ ngồi, anh em "cùng cha khác mẹ" với dòng máy bay chiến đấu F-16 Block 52 đa nhiệm.
Giống như tiêm kích F-16 Block 52, F-16I được thiết kế theo công nghệ của Israel, tích hợp nhiều tính năng ưu việt như hiển thị kính lái, liên lạc qua vệ tinh, thiết bị dẫn đường và chỉ thị mục tiêu Litening II. Vũ khí F-16I gồm tên lửa không đối không tầm ngắn Python 5, bom điều khiển bằng laser và bom dẫn đường bằng vệ tinh JDAM.
Theo NI, Israel hiện có khoảng gần 100 chiếc Sufa, và đang có ý định đặt mua thêm 243 chiếc F-16A/B/C để tạo ra một phi đội F-16 lớn nhất thế giới, chỉ chịu đứng sau Không quân Mỹ, nhằm đập tan hệ thống phòng không của đối phương và hỗ trợ các máy bay F-15I tấn công các mục tiêu trên mặt đất.
6. Tàu hộ vệ lớp Sa'ar 5
Israel là quốc gia có đường bờ biển duy nhất ở vùng biển Địa Trung Hải và Biển Đỏ, nhưng đường biên hải lý lại chia sẻ với nhiều kẻ thù truyền thống nên quốc gia này phải xây dựng một lực lượng hải quân đủ mạnh để đối phó và cũng là đội quân cực kỳ quan trọng đối với quốc phòng của Israel.
Tàu hộ vệ lớp Sa'ar 5 là vũ khí chủ đạo của Hải quân Phòng vệ Israel (SCI). Nó được ra đời theo đề xuất của SCI nhằm thay cho các tàu hộ vệ được đóng từ thời Thế chiến II vốn đã lạc hậu. Dự án phát triển lớp tàu hộ vệ mới đã được chính phủ Israel tiến hành phê duyệt đầu năm 1980 và được định danh là lớp Sa'ar 5. Nhà thầu chính của dự án là Tập đoàn Northop Grumman, Mỹ, Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Israel, Nhà máy đóng tàu Huntington Ingalls Industries (bang Mississippi) tham gia dự án này. Từ năm 1993, ba chiếc (INS Eilat, INS Lahav và INS Hanit) lần lượt được hạ thủy và đưa vào biên chế của SCl.
• Đặc tính kỹ thuật chính của tàu hộ vệ lớp Sa'ar 5: Tải trọng choán nước 1.065 tấn (tiêu chuẩn); 1.275 tấn (đủ tải), tàu dài 85,64m, sườn ngang 11,9m, mớn nước 3,45m, động cơ diezen kết hợp hay động cơ khí 2MTU V12 1163 TB82, tuabin khí General Electric LM2500, tốc độ 35 km/h (dùng động cơ diezel) và 61km/h (động cơ khí gas); giới hạn hoạt động 6.500 km, thủy thủ đoàn 74 người. Vũ khí 2x4 thiết bị phóng cho tổ hợp tên lửa chống tàu Harpoon; 2x32 thiết bị phóng cho tổ hợp tên lửa phòng không Barack; 1 thiết bị pháo 76mm Oto Melara hoặc 1 thiết bị pháo 57mm Bofors hoặc 1 thiết bị pháo 20mm 6 nòng Vulcan/Falancs; 2 thiết bị pháo 25mm Sea Vulcan; 2x3 thiết bị ngư lôi 324mm..., chở theo 1 trực thăng Eurocopter Panther
5. Phương tiện giám sát bề mặt không người lái của hải quân
Lực lượng Phòng vệ Israel là quân đội đầu tiên trên thế giới sử dụng phương tiện bề mặt không người lái cho hải quân, đảm nhận công việc giám sát trên biển, trên không và trên đất liền.
Đây là những loại vũ khí được điều khiển từ xa bởi 2 thao tác viên, sử dụng một hệ thống vũ khí điều khiển từ xa Typhoon gắn vào súng máy và súng phóng lựu. Các phương tiện bề mặt không người lái của Israel còn được trang bị hệ thống tên lửa ngang bằng "bắn và quên" SPIKE.
4. Súng Tavor-21
Quân đội Israel sử dụng một số vũ khí nhỏ được phát triển bởi nhiều nước, kể cả súng M4 carbine của Mỹ. Đặc biệt, Israel còn có sản phẩm "cây nhà lá vườn" cực khủng, đó là súng trường tự động tấn công Tavor-21 với nhiều biến thể.
TAR-21 (Tavor Assault Rifle - 21st Century) là loại súng có thiết kế bullpup (bộ khóa nòng và hộp đạn đều được lắp phía sau cò súng, hay ở ngay sát mặt của xạ thủ khi ngắm bắn) do Israel phát triển năm 1991, dùng đạn 5.56×45mm NATO. TAR-21 được dùng để thay thế các loại súng M16, CAR-15 và IMI Galil, nhất là thay cho M4A1 để làm súng trường tiêu chuẩn cho Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) từ năm 2018.
3. Tăng Merkava IV
Các thế hệ xe tăng Merkava của Israel được cải tiến liên tục trong thời gian gần đây.Vũ khí chính của Merkava IV gồm một pháo 124 mm có thể bắn tên lửa chống tăng Lahat, ba súng máy hạng nặng, súng phóng khói, và một súng cối 60 mm.
Ngoài ra, Merkava IV còn được trang bị hệ thống đánh chặn tên lửa vác vai chống tăng, radar Trophy phát hiện nhanh đối phương nhờ hệ thống xoay 360 quanh thân để dò tìm mục tiêu. Chưa hết, Merkava IV còn được cải tiến, trang bị hệ điều khiển hỏa lực hiện đại để chống lại máy bay trực thăng tấn công của đối phương.
2. Hệ thống bảo vệ xe tăng chủ động Trophy
Các loại tên lửa chống tăng có điều khiển từ thời Thế chiến II đã trở nên lỗi thời. Và ngay nay, quân đội Israel đã sử dụng tên lửa chống tăng giá rẻ, dồi dào để thay thế, trong đó có Hệ thống bảo vệ xe tăng chủ động Trophy (TATDF).
Hệ thống TATDF được cấu thành từ 3 bộ phận là hệ quan trắc-đo đạc; hệ thống theo dõi và hiệu chỉnh đường bay của mục tiêu và hệ thống phóng tự động đạn đánh chặn theo cơ chế va chạm phá hủy.
TATDF nhằm tạo ra một lá chắn cảm biến hoàn chỉnh giúp phát hiện tên lửa đến gần và sau đó phóng tên lửa riêng để đánh chặn, mọi thứ đều tự động, chính xác và hiệu quả, có thể "hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn" hoả lực của đối phương.
1. Hệ thống phòng không Iron Dome
Để giảm thiểu mối đe dọa "dai dẳng và bất ngờ", quân đội Israel đã phát triển một hệ thống phòng không có tên Iron Dome, chínhh thức được đưa vào sử dụng năm 2011.
The Iron Dome sử dụng radar để phát hiện nhanh tên lửa đối phương ngay sau khi nó được bắn đi. Các dữ liệu định vị sẽ được truyền về cho Trung tâm kiểm soát vũ khí và điều hành chiến tranh (BMC) ở dưới mặt đất xử lí. Mối đe doạ nhanh chóng được phân tích và xác định điểm va chạm, sau đó hai tên lửa Tamir có sức công phá lớn sẽ được phóng đi để đánh chặn, hiệu quả thành công của Iron Dome thật đáng kinh ngạc, có thể ăn chắc trên 90%.
Mới đây hãng Rafael của Israel đăng tải một đoạn video cho thấy hệ thống phòng không Iron Dome thậm chí còn có thể bắn rơi được các máy bay không người lái (UAV). Được biết, Israel hiện cũng đang phát triển một phiên bản Iron Dome mới dùng cho SCI, với tên gọi C-Dome, có khả năng xoay được 360 độ, và phản ứng nhanh, phóng tên lửa đi trong thời gian chưa đến vài giây./.
Theo Baodatviet