(Baonghean.vn) - Mua hàng online đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn khi "eo hẹp" về thời gian. Tuy nhiên, hình thức này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chỉ thận trọng thôi là chưa đủ, khách hàng cần trang bị cho mình một vài bí quyết mua sắm hữu dụng.
1. Nhận diện website uy tín
Trước tình trạng các website mọc lên như nấm sau mưa, để tìm và chọn ra một website uy tín là chuyện không đơn giản.
Để tránh gặp rủi ro, bạn chỉ nên mua hàng khi đã biết đầy đủ thông tin về người bán như tên, địa chỉ, số điện thoại, email…
Một website thương mại điện tử uy tín sẽ hiện thị đầy đủ các thông tin về người bán, sản phẩm, quy trình mua hàng, thanh toán và vận chuyển hàng hóa rõ ràng.
Người mua có quyền được đảm bảo thông qua chính sách giải quyết tranh chấp, khiếu nại.
2. Đọc kỹ thông tin chi tiết sản phẩm
Những thông tin mô tả về đặc điểm, tính năng,…phải xác thực, rõ ràng, hình ảnh minh họa đúng với thực tế. Bạn có thể yêu cầu người bán gửi ảnh thật của sản phẩm cho mình, thay vì chỉ xem những ảnh lung linh trên website của họ.
Hãy dành ít phút để đọc những thông tin về sản phẩm như kiểu mẫu, chất lượng, nguyên liệu, hình dáng, màu sắc, kích thước và cả hướng dẫn sử dụng của sản phẩm (nếu có)… Điều này sẽ giúp bạn hình dung tốt hơn về hàng hóa mà mình đang giao dịch, giúp bạn hạn chế tối đa việc nhận hàng không như ý.
3. Đọc đánh giá về sản phẩm và dịch vụ
Hãy dành thời gian để đọc đánh giá (review) của các khách hàng khác - những người đã từng mua hàng và sử dụng sản phẩm mà bạn đang có nhu cầu mua.
Việc này tuy mất thời gian nhưng bạn sẽ thấy kinh nghiệm mua sắm thực tế của nhiều người; họ sẽ cho biết về chất lượng sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng trước khi bạn đưa ra quyết định mua hàng; nhưng cũng đề phòng các những review dạng mồi của chính nhãn hàng trà trộn.
4. Chính sách hoàn trả của công ty
Mua hàng online khó tránh khỏi những lúc nhận được sản phẩm nhưng không vừa ý, do đó, đừng bỏ qua những dòng chữ nhỏ xíu nhắc bạn hàng có được đổi trả hay không để tránh mang lại cho mình những phiền phức nhất định.
Đừng bỏ qua các điều khoản liên quan tới chính sách đổi trả hàng, điều kiện hoàn tiền, bảo hành của website, công ty mà bạn đang giao dịch. Nếu thông tin không được cung cấp hãy gọi điện trực tiếp để hỏi người bán hàng trước khi quyết định mua hàng.
5. Chỉ mua khi thực sự có nhu cầu
Với việc mua sắm online, chỉ cần một thao tác click chuột, không phải trả giá, không cần dùng tiền mặt; tuy nhiên, sự tiện dụng này cũng là nguyên nhân khiến khách hàng hay “sa đà” mua sắm khi không có nhu cầu.
Tính ra, những món hàng mua bởi cần thì ít, mà bởi thích thì nhiều, nên tưởng tiết kiệm mà lại không. Vì thế, khi mua hàng online nên nhớ tôn chỉ đầu tiên là chỉ nên “rút ví” khi thực sự cần.
6. Thận trọng khi thanh toán
Về nguyên tắc, mua bán trực tuyến là phải thanh toán trực tuyến, thông qua tài khoản ảo trực tuyến hoặc thẻ tín dụng cá nhân. Tuy nhiên, bên cạnh thanh toán trực tuyến còn có hình thức thanh toán khi nhận hàng. Nhiều nhà cung cấp cho phép bạn trả tiền khi đã kiểm tra hàng hóa có đúng như mình mong muốn hay không.
Điều này tưởng như tiện ích nhưng thực chất lại không hề đúng với tiêu chí đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử. Mọi hóa đơn bạn giao dịch đều sẽ được ngân hàng lưu lại làm bằng chứng cho việc mua bán, quyền lợi của bạn sẽ có bằng chứng bảo vệ rõ ràng hơn.
7. Chụp lại cửa sổ màn hình và giữ biên nhận khi mua hàng
Hãy chụp lại cửa sổ màn hình, nhằm lưu lại những thông tin cần thiết để phòng khi đơn hàng thất thoát hoặc nhầm lẫn.
Luôn yêu cầu hóa đơn khi nhận được hàng. Nếu không có biên nhận, đồng nghĩa với việc bạn không có bằng chứng cho việc mua hàng, điều này sẽ là cản trở lớn nếu sản phẩm bị lỗi hoặc hư hỏng và có nhu cầu đổi trả./.
Ngọc Anh
(Tổng hợp)