Theo New York Times, các nhà nghiên cứu đã phân tích thành phần của 18 chai rượu được sản xuất tại bang California từ năm 2009 đến nay. Họ tìm thấy lượng phóng xạ trong những chai rượu ra đời sau thảm họa hạt nhân Fukushima cao hơn mức bình thường, một số cao gấp đôi.
Nguyên nhân là vì các đám mây chứa chất phóng xạ hình thành sau vụ tai nạn năm 2011 di chuyển ngang qua Thái Bình Dương để đến Californa, khiến nho trồng để nấu rượu bị nhiễm phóng xạ.
Theo Pravikoff, nhóm nghiên cứu sử dụng kỹ thuật đo lường phóng xạ qua vỏ thủy tinh, vì vậy những chai rượu này vẫn còn nguyên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, họ phải đốt rượu thành tro mới có thể đo chính xác lượng chất phóng xạ.
Trước thế kỷ 20, rượu có chứa chất cesium-137 (đồng vị phóng xạ phát sinh từ các lò phản ứng hạt nhân) không tồn tại và các sự kiện rò rỉ hạt nhân sẽ để lại dấu vết trong rượu dựa vào thời gian và sự gần gũi về mặt địa lý với địa điểm trồng nho, theo New York Times.
Trả lời New York Times, đại diện Bộ Y tế công cộng California ngày 20/7 cho biết cơ quan này chưa nắm rõ nghiên cứu trên, nhưng "cư dân California hiện không đối mặt với bất kỳ nguy cơ sức khỏe và an toàn nào".
Thảm họa kép động đất, sóng thần gây rò rỉ chất phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào năm 2011 đã khiến hơn 16.000 người tử vong. 160.000 người phải di tản đến những khu vực khác.
Bên cạnh đó, số người tự tử vì trầm cảm sau thảm họa vào năm 2011 đã lên đến con số 155 người và vẫn tiếp tục gia tăng. Theo tờ Washington Post, rất nhiều cư dân Fukushima quyết định chọn cái chết vì điều kiện sống nghèo nàn sau khi phải di tản. Ngoài ra, họ cũng chịu áp lực tâm lý khi bị người ngoài xa lánh vì nghi ngờ nhiễm phóng xạ.