Khi cơ thể bị stress, rất nhiều vitamin và khoáng chất được huy động, và nếu không bổ sung kịp thời các vi chất này, cơ thể lập tức sẽ phát tín hiệu như lở mép, nghiến răng, đốm trắng trên móng tay.
Khảo sát của AXA với 4.000 người tham gia cho thấy cứ 5 người lớn sẽ có 4 người có cảm giác căng thẳng trong 1 tuần điển hình và 1/10 người căng thẳng mọi lúc mọi nơi.
Charlotte Watts, chuyên gia dinh dưỡng, giảng viên yoga và là tác giả cuốn The De-Stress Effect, cho biết: Điều quan trọng là phải tìm ra những dấu hiệu gây căng thẳng và giải quyết nhanh chóng bằng chế độ ăn.
Lở mép (Do thiếu vitamin B6)
Những vết nứt nho nhỏ ở khóe môi là dấu hiệu chắc chắn cơ thể bạn thiếu vitamin B, đặc biệt là B6.
Vitamin B rất quan trọng đối với sức khỏe hệ thần kinh cũng như là một thành phần của enzym giúp chuyển hóa tinh bột, chất béo, protein thành năng lượng. Vì vậy, cơ thể chúng ta sử dụng chúng trong suốt suốt quá trình phản ứng với stress.
Rất quan trọng với hệ thần kinh, B6 tham gia sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh serotonin và dopamine, vốn có tác dụng điều chỉnh tâm trạng và động lực cũng như melatonin - có tác dụng điều chỉnh giấc ngủ. Đó là lý do vì sao chúng ta thấy những biểu hiện mất ngủ, giảm hứng thú, buồn chán... khi căng thẳng kéo dài.
Nhu cầu B6 sẽ cao hơn khi dùng thuốc tránh thai hay thuốc trầm cảm.
Thực phẩm giàu B6: cà rốt, gà, trứng, cá, thịt, đỗ, rau chân vịt, hạt hướng dương, hạt óc chó, quả bơ, chuối, đậu đỗ, súp lơ xanh, gạo nâu, ngũ cốc nguyên cám, cải bắp, ngô và khoai tây.
2. Nghiến răng (Do thiếu vitamin B5)
Khác với các vitamin B khác, B5 được mệnh danh là vitamin chống stress vì nó giúp sản xuất hoóc môn thượng thận, cholesterol và các kháng thể - vốn được sử dụng rất nhiều khi cơ thể bị căng thẳng.
Lưu ý cholesterol được sản xuất ở đây không phải là hoàn toàn “xấu”. Cơ thể cần nó để sản xuất các tế bào mới và các hoóc môn steroid như cortisol và DHEA là một phần của phản ứng căng thẳng.
Stress kéo dài cũng gây ra tình trạng nghiến răng, góp phần khiến não không được nghỉ ngơi hoàn toàn do các cơ hàm luôn căng như dây đàn - một cách cơ thể ứng phó với những nguy hiểm trong khi thực chất là do nồng độ B5 thấp.
Vitamin này cũng cần cho việc sản xuất chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine, giúp chúng ta bình tĩnh lại sau khi căng thẳng đã qua. Nếu nồng độ chất này trong cơ thể thấp thì sẽ khó có thể phục hồi sau căng thẳng.
Nên mang theo vitamin B dạng bổ sung (VD: các vitamin nhóm B hay đa vitamin) để chúng phối kết hợp tạo năng lượng cũng như sức khỏe tinh thần tốt nhất.
Nguồn thực phẩm: thịt bò, trứng, rau xanh, cật, đậu, gan, nấm, các loại hạt, cá biển, lúa mạch đen.
3. Đốm trắng trên móng tay (Cơ thể cần kẽm)
Mặc dù các đốm trắng trên móng thường được cho là thiếu canxi nhưng thực ra là biểu hiện của thiếu kẽm.
Kẽm rất quan trọng đối với các hệ thống enzym trong cơ thể, đặc biệt là miễn dịch và sản xuất các hoóc môn, bao gồm cả insulin và hooc môn tình dục.
Đây là khoáng chất được dùng nhiều nhất trong cơ thể cũng nưh tạo năng lượng và chữa bệnh, tái tạo nếu được cung cấp đủ.
Căng thẳng sẽ tiêu hao rất nhiều kẽm và có thể lập biểu đồ của sự căng thẳng thông qua sự xuất hiện của đốm trắng từ đáy móng.
Kẽm trong thực vật ít hơn trong động vật và khó hấp thu hơn do kết hợp với phytate (một chất xơ) vì vậy người ăn chay cần bổ sung 15-20mg kẽm mỗi ngày.
Thực phẩm: cá, thịt, hạt hướng dương, hạt bí, hạt thông, các loại hạt họ hạnh nhânn, sò và ngao, cua, bột lúa mạch đen, phô mai cheddar.
4. Táo bón và tiêu chảy (Cơ thể cần magie)
Magie là một khoáng chất thiết yếu, 70% nằm trong xương và 30% ở các mô mềm và dịch cơ thể.
Khi cơ thể bị stress và dùng nhiều đường, 1 lượng lớn magie sẽ bị huy động.
Khoáng chất làm dịu căng thẳng này sẽ giúp thư giãn cơ và căng thẳng thần kinh và điều này sẽ chấm dứt khi magie trong cơ thể cạn kiệt.
Nồng độ thấp magie cũng liên quan với các triệu chứng stress như lo âu, kích thích, mất ngủ, trầm cảm và đau cơ.
Vì các cơ trong đường tiêu hóa cũng cần magie để “thư giãn” nên khi chúng ta cảm thấy căng thẳng thần kinh thì hệ tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng, với biểu hiện táo bón hay tiêu chảy.
Lúc này bổ sung 300-500mg magie mỗi ngày có thể hữu ích.
Thực phẩm: kiều mạch, các loại hạt họ hạnh nhân, đậu nành, rau lá xanh sẫm, cà rốt, đậu Hà Lan, khoai lang, hạt hướng dương, hạt vừng, đậu lăng, bơ, súp lơ, cá, thịt.
5. Chảy máu chân răng (Thiếu vitamin C)
Vitamin C là chất chống ôxy hóa và tham gia vào ít nhất 300 chức năng chuyển hóa trong cơ thể.
Nó cũng góp phần sản xuất ra các hoóc môn chống stress, interferon (protein hệ miễn dịch) cũng như góp phần sản xuất collagen - một chất tạo ra tất cả các mô trong cơ thể.
Đó là lý do vì sao thiếu hụt vitamin C gây ra tình trạng viêm loét lâu lành - do các mô không được tái tạo trong khi liên tục bị phá hoại.
Có thể thấy điều này qua hiện tượng chảy máu trong khi đánh răng - biểu hiện cho thấy cơ thể đã “đốt” quá nhanh vitamin C cho các căng thẳng.
Các dấu hiệu khác cho thấy thiếu vi chất này là viêm nhiễm, nhiễm trùng và khó hồi phục sau ốm bệnh. Vitamin C cũng sẽ bị “đốt sạch” khi hút thuốc, uống rượu, uống thuốc ngừa thai, dùng thuốc steroid và thuốc chống trầm cảm.
Thực phẩm: các loại quả mọng, cam chanh, rau lá xanh, măng tây, quả bơ, súp lơ, cải Brussels, dưa hấu, cải xoăn, xoài, hành, đu đủ, đỗ xanh, dứa, củ cải, rau chân vịt, dâu tây, cà chua và cải xoong.
6. Mụn trứng cá ở tay và đùi (Do thiếu vitamin E)
Vitamin E là chất chống ôxy hóa hòa tan trong chất béo có nhiệm vụ bảo vệ các vùng mỡ trong cơ thể và chức năng sinh sản.
Nồng độ vitamin E và các dầu omega thấp có thể nhận biết qua các đầu mụn cứng ở phần vai cánh tay và đùi – do quá nhiều protein keratin tích tụ.
Vitamin E cũng góp phần cải thiện lưu thông máu, cải thiện tình trạng máu đông, liền sẹo, điều hòa huyết áp và tăng cường sản xuất tinh trùng.
Thực phẩm: dầu hạt lanh, rau lá xanh sẫm, mận, các loại hạt họ hạnh nhân, đậu, hạt, ngũ cốc nguyên cám, gạo nâu, trứng, sữa, tảo bẹ, bột yến mạch, đậu nành, khoai lang và cải xong.
7. Thường xuyên đau họng (Thiếu vitamin A)
Vitamin A rất cần cho thị lực cũng như chống lại nhiễm trùng da và hô hấp, tiêu hóa và tiết niệu.
Khi bạn thường bị cảm lạnh và rồi chuyển sang đau họng thì đó là báo hiệu bạn cần ăn các loại rau và chất xơ có trong món hầm để cơ thể nhanh hồi phục.
Theo Dantri