Ngày 20/12, TAND tỉnh Quảng Nam đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử nhóm người trong đường dây lưu hành tiền giả do người Trung Quốc cung cấp với số lượng hàng nghìn tờ.
Theo đó, HĐXX đã tuyên phạt bảy bị cáo gồm: Chu Thị Oanh (47 tuổi, người dân tộc Tày, trú tỉnh Cao Bằng) 20 năm tù, Nguyễn Văn Hòa (47 tuổi, trú huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) 18 năm tù, Nguyễn Văn Tuân (35 tuổi, trú tỉnh Thái Nguyên) 9 năm tù, Nguyễn Thị Nguyệt (34 tuổi, trú tỉnh Thái Nguyên) 8 năm tù, Đào Văn Cần (27 tuổi, trú tỉnh Thái Nguyên) 7 năm tù, Đào Văn Ninh (35 tuổi, trú tỉnh Thái Nguyên) 4 năm tù và Đinh Thị Tuyết (32 tuổi, trú tỉnh Nghệ An) 4 năm tù về tội tàng trữ, lưu hành tiền giả.
Theo cáo trạng, khoảng tháng 1/2016 tại tỉnh Cao Bằng, một người đàn ông (không rõ lai lịch) giới thiệu Nguyễn Văn Hòa với Chu Thị Oanh.
Sau Tết Nguyên đán 2016, Hòa liên lạc với Oanh để mua tiền giả. Hai người thống nhất mua bán tiền giả với tỉ lệ 40/100, tức Oanh đưa cho Hòa 100 triệu đồng tiền giả thì Hòa trả Oanh 40 triệu đồng tiền thật.
Từ tháng 4 đến tháng 5/2016 tại cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng), Oanh đã ba lần mua của một người phụ nữ quốc tịch Trung Quốc tên A Mỉng gần 400 triệu đồng tiền giả với mệnh giá 200.000 đồng. Sau đó Oanh đã bán cho Hòa 250 triệu đồng tiền giả.
Tiếp đó, ngày 19/5/2016, Oanh mang theo 200 triệu đồng tiền giả đến tỉnh Đắk Nông giao cho Hòa như đã hẹn trước.
Khi Oanh vừa xuống xe tại thị xã Gia Nghĩa thì bị Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam bắt giữ.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng tạm giữ 1.000 tờ tiền mệnh giá 200.000 đồng “nghi” giả.
Sau khi nhận tiền, Hòa dùng hơn 155 triệu đồng phân phối cho những người khác gồm: Tuân, Cần, Ninh, Nguyệt và Tuyết (người yêu Hòa) chia lẻ ra và đi đến các địa phương như Hà Nội, Thái Nguyên, Đắk Lắk, Đắk Nông và Quảng Nam.
Bằng phương thức mua các món hàng có giá trị thấp như card điện thoại, thức ăn… bằng những tờ tiền giả mệnh giá 200.000 đồng để lấy tiền dư thối lại. Sau đó những người này thu lại tiền thật từ người bán hàng rồi chia lợi nhuận cho Hòa theo tỉ lệ 50/50.
Từ tháng 4 đến tháng 5/2016, bảy đối tượng trên đã tàng trữ, lưu hành tiền giả với số lượng rất lớn ở nhiều địa phương khác nhau.
Từ những tài liệu, chứng cứ thu thập được trong tháng 5/2016, cơ quan Công an Quảng Nam đã lần lượt bắt các đối tượng trên và thu giữ số lượng lớn tiền giả.
Kết luận giám định của cơ quan chức năng Quảng Nam cho thấy số tiền tạm giữ của Đào Văn Cần và các tiểu thương trong tổng cộng 105 tờ tiền mệnh giá 200.000 đồng Việt Nam là tiền giả, 1.056 tờ tiền mệnh giá 200.000 đồng tạm giữ của Oanh, Tuyết, Tuân, Hòa và Nguyệt cũng đều là tiền giả.
Theo tuoitre