Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa và hạt nhân, IS bị đánh bật khỏi Iraq và Syria là hai trong những sự kiện quốc phòng nổi bật nhất năm.
Thế giới năm 2017 là một năm đầy biến động với những diễn biến an ninh khó lường. Tâm điểm của năm dường như đổ dồn về bán đảo Triều Tiên với hàng loạt vụ phóng tên lửa đạn đạo, thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Quân đội Hàn Quốc và Mỹ liên tiếp tổ chức tập trận khiến bán đảo Triều Tiên nhiều lần “đứng bên miệng hố chiến tranh”.
Triều Tiên phóng tên lửa và thử hạt nhân
Năm 2017 ghi nhận tần suất phóng tên lửa chưa từng có trong nhiều năm của Triều Tiên. Tính đến hết tháng 11, Bình Nhưỡng đã tiến hành tới 23 vụ phóng tên lửa đạn đạo các loại.
Cụ thể, Bình Nhưỡng mở đầu một năm đầy sóng gió trên bán đảo Triều Tiên bằng vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong 2 có tầm bắn 2.000km.
Ngày 4/7, Bình Nhưỡng khiến cả thế giới sửng sốt khi tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14. Tên lửa đạt độ cao quỹ đạo 2.500 km và bay được quãng đường khoảng 930 km. Đây là vụ thử ICBM đầu tiên của Bình Nhưỡng, một bước đột phá lớn trong công nghệ tên lửa của Triều Tiên.
Các chuyên gia ước tính rằng tên lửa có thể đạt tầm bắn từ 7.000-8.000 km, đủ khả năng tấn công Alaska, Hawaii và Seattle, nếu nó được phóng ở quỹ đạo tiêu chuẩn. Không chỉ dừng lại ở các vụ phóng tên lửa bình thường, Bình Nhưỡng còn 2 lần phóng tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản vào các ngày 29/8 và 15/9.
Gần đây nhất vào ngày 29/11, Bình Nhưỡng bắn thử một tên lửa đạn đạo lớn chưa từng có mang tên Hwasong-15. Nó đạt độ cao quỹ đạo tới 4.500 km và bay được quãng đường 992 km. Nếu phóng ở quỹ đạo tiêu chuẩn, Hwasong-15 có thể đạt tầm bắn tới 13.000 km, đủ khả năng tấn công toàn bộ nước Mỹ.
Ngày 3/9, Bình Nhưỡng khiến bán đảo Triều Tiên rung chuyển bằng vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Chính phủ Triều Tiên nói rằng họ đã thử nghiệm một quả bom nhiệt hạch (bom hydro) có thể trang bị cho ICBM. Cục Khí tượng Hàn Quốc ước tính vụ nổ có công suất khoảng 50 kt. Cơ quan tình báo Mỹ cho rằng vụ nổ đạt công suất khoảng 100 kt.
Đây là vụ thử hạt nhân mạnh nhất của Triều Tiên từ trước đến nay. Vụ thử nghiệm vấp phải sự phản đối kịch liệt của cộng đồng quốc tế.
Mỹ - Hàn gia tăng các cuộc tập trận
Nhằm đối phó với các hành động khiêu khích của Triều Tiên, quân đội Mỹ và Hàn Quốc đẩy mạnh các cuộc tập trận chung nhằm cảnh báo Bình Nhưỡng. Bên cạnh các cuộc tập trận thường niên như Đại bàng non, Người bảo vệ tự do Ulchi, Mỹ và Hàn Quốc còn tổ chức thêm các cuộc tập trận với quy mô chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây.
Gần đây nhất, Mỹ và Hàn Quốc vừa kết thúc cuộc tập trận khổng lồ mang tên Vigilant Ace với sự tham gia của 230 chiến đấu cơ các loại và 12.000 binh sĩ, trong đó, lần đầu tiên tiêm kích tàng hình F-22 và F-35 tập trận cùng nhau trên bán đảo Triều Tiên.
Bình Nhưỡng luôn phản đối kịch liệt các cuộc tập trận chung của Mỹ, Hàn Quốc và cho rằng đó là hành động chuẩn bị cho việc xâm lược Triều Tiên. Các cuộc tập trận của Mỹ, Hàn Quốc và những vụ phóng tên lửa liên tiếp của Bình Nhưỡng khiến bán đảo Triều Tiên năm 2017 luôn “đứng bên miệng hố chiến tranh”.
IS bị đánh bật khỏi Iraq
Năm 2017 ghi nhận những thành công lớn trong cuộc chiến tiêu diệt Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria. Sau khi IS bị đánh bật khỏi thánh địa lớn nhất của tổ chức này ở thành phố Aleppo, Syria, IS co cụm về thành phố Mosul, Iraq. Đây được xem là thánh địa cuối cùng của tổ chức khủng bố này.
Quân đội Iraq với sự hỗ trợ trên không của liên minh do Mỹ dẫn đầu bắt đầu chiến dịch giải phóng Mosul từ ngày 16/10/2016. Lực lượng quân đội Iraq với sự hỗ trợ của liên minh với quân số lên đến 108.000 người. Khoảng 6.000-12.000 tay súng IS cố thủ trong thành phố.
Phải mất hơn 10 tháng chiến đấu ác liệt, IS mới bị đánh bật khỏi thành phố Mosul, thánh địa cuối cùng của tổ chức này ở Iraq chính thức sụp đổ. Ngày 9/12 vừa qua, chính phủ Iraq tuyên bố giải phóng hoàn toàn Iraq khỏi sự chiếm đóng của IS.
Sự kiện này mở ra một chương mới trong cuộc tái thiết Iraq sau hơn 3 năm chịu sự hoành hành của IS. Tuy vậy, các nhà phân tích cảnh báo mặc dù IS đã bị đánh bật khỏi Iraq nhưng tàn tích của tổ chức này vẫn rất nguy hiểm và chúng có thể tiến hành các cuộc tấn công khủng bố để trả thù.
Nga hoàn thành mục tiêu tại Syria
Trong năm 2017, quân đội Nga tại Syria tiếp tục tiến hành các chiến dịch hỗ trợ quân đội chính phủ Syria chống lại tàn tích của IS còn sót lại, cũng như các nhóm vũ trang bất hợp pháp chống đối chính phủ ở Syria.
Ngoài ra, quân đội Nga cũng làm nhiệm vụ giám sát lệnh ngừng bắn với phe đối lập, hỗ trợ quân đội Syria rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Ngày 11/12, chính phủ Syria tuyên bố đã giải phóng hoàn toàn đất nước khỏi IS, ngay sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm căn cứ quân sự Nga ở Syria và yêu cầu quân đội rút khỏi Syria.
Vài giờ sau tuyên bố của Tổng thống Putin, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết quân đội Nga bắt đầu rút quân khỏi Syria. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định Nga sẽ không hoàn toàn rút quân khỏi Syria mà chỉ giảm quy mô lực lượng tại đây.
Syria có vai trò chiến lược đối với sự hiện diện của Nga ở Trung Đông nên chắc chắn Moscow không thể từ bỏ vị trí của mình tại đây. Việc Nga tuyên bố rút quân cho thấy rằng mục tiêu chiến lược hàng đầu của Moscow là duy trì chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad coi như đã hoàn thành.
Vận đen đeo bám Hải quân Mỹ năm 2017
Năm 2017, Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương gia tăng hoạt động với tần suất và quy mô chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, đây cũng là một năm “đầy vận đen” đối với lực lượng hải quân được đánh giá số 1 thế giới.
Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương để xảy ra 5 vụ tai nạn năm 2017, trong đó có 2 vụ va chạm cực kỳ nghiêm trọng khiến 17 thủy thủ thiệt mạng. Đây là một trong những tai nạn tồi tệ nhất đối với Hải quân Mỹ trong nhiều năm trở lại đây.
Ngày 17/6, tàu khu trục USS Fitzgerald (DDG-62), lớp Arleigh Burke va chạm với tàu container ngoài khơi bờ biển Nhật Bản. Fitzgerald bị móp một lỗ lớn bên mạn phải. Vụ va chạm khiến 7 thủy thủ thiệt mạng.
Rạng sáng ngày 21/8, tàu khu trục USS John S. McCain (DDG-56), lớp Arleigh Burke va chạm với tàu chở dầu ở phía đông của Singapore. Vụ va chạm khiến 10 thủy thủ thiệt mạng, tàu McCain thủng một lỗ lớn bên mạn trái. Các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra liên tiếp khiến nhiều người đặt câu hỏi về năng lực vận hành của lực lượng hải quân số 1 thế giới.
Tàu ngầm Argentia mất tích bí ẩn
Ngày 15/11, tàu ngầm San Juan của Argentia biến mất một cách khó hiểu ở Vịnh San Jorge, cách bờ biển Patagonia, miền Nam nước này khoảng 200 hải lý. Tàu mang theo thủy thủ đoàn 44 người và đến nay, gần một tháng đã trôi qua nhưng con tàu vẫn bặt vô âm tín.
Hải quân Argentia với sự trợ giúp của 7 quốc gia cùng nhiều máy bay, tàu chiến rà soát khu vực Nam Đại Tây Dương để tìm con tàu nhưng vẫn chưa tìm thấy. Ngày 18/11, Hải quân Argentina cho biết đã nhận được 7 cuộc gọi qua vệ tinh có thể xuất phát từ tàu ngầm mất tích nhưng liên lạc không thiết lập được.
Ngày 23/11, Hải quân Argentina cho biết họ ghi nhận sự kiện bất thường giống như một vụ nổ gần nơi tàu ngầm San Juan mất tích. Tuy nhiên, tất cả thông tin chỉ là nghi vấn và con tàu vẫn chưa được tìm thấy.
Theo Kiến Thức
TIN LIÊN QUAN |
---|