1. Nước rửa kính
Trong quá trình sử dụng, nhất là vào mùa nắng nóng cần chú ý kiểm tra, bổ sung nước rửa kính để đảm bảo kính lái luôn được làm sạch. Nhiều người thường sử dụng nước lã pha với nước rửa chén để tiết kiệm. Tuy nhiên, nhà sản xuất khuyến cáo nên dùng nước rửa kính chuyên dụng sẽ giúp lau sạch bề mặt kính; đồng thời không ảnh hưởng đến tuổi thọ của chổi gạt.
2. Nước làm mát
Nếu lượng nước làm mát không đảm bảo sẽ gây ra hậu quả khôn lường cho động cơ ô tô. Vì vậy, tài xế nên thường xuyên theo dõi mực nước làm mát mùa nắng nóng để bổ sung hoặc thay thế đảm bảo quá trình giải nhiệt cho động cơ.
3. Dầu phanh
Theo thời gian sử dụng dầu phanh sẽ bị hao mòn, chứa cặn bẩn trong quá trình truyền lực hay bị nhiễm nước… dẫn đến làm giảm hiệu quả, độ chính xác khi người lái đạp phanh, ảnh hưởng đến sự an toàn. Vì vậy, tài xế cần thường xuyên kiểm tra dầu phanh. Dung dịch này thường có một bình chứa riêng và chia theo các mức “Min”, “Max” để nhận biết mức dầu còn lại trong bình.
4. Dầu trợ lực lái
Bình chứa dung dịch nếu bằng nhựa,có thể dễ dàng nhìn thấy mức dầu và màu sắc dầu trong bình; bằng kim loại có que thăm dầu giúp kiểm tra mức còn lại trong bình.
Nếu phát hiện dầu trợ lực lái có màu nâu hoặc đen tức là đã bị bẩn, nên đưa xe đến gara kiểm tra.
5. Dầu động cơ
Với những xe mới sử dụng lần đầu, các chuyên gia khuyến cáo nên thay dầu nhớt sau 1.000 km đầu tiên, để loại bỏ mạt kim loại, cặn bẩn trong động cơ sau khi gia công. Sau đó, thay dầu khi xe vận hành khoảng 5.000km.
Tùy vào điều kiện sử dụng, tài xế nên thường xuyên kiểm tra que thăm dầu để nắm tình trạng cũng như mức dầu trong động cơ.
6. Dầu hộp số
Dung dịch này phải kiểm tra kỹ hơn về chất lượng và định kỳ; người dùng có thể dễ dàng kiểm tra mức dầu qua que thăm và ước lượng độ bẩn của dầu.
Màu tối, có cặn bẩn hoặc màu cà phê là dấu hiệu cần kiểm tra loại dung dịch này ngay lập tức. Nếu có màu cánh gián/đỏ trong là dấu hiệu tốt.