Thông báo mới đây của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 khóa XI đã đề ra một loạt chỉ tiêu kinh tế cho năm 2016, có 6 chỉ tiêu đáng quan tâm.

Một là, tăng trưởng GDP 6,7% theo chỉ tiêu đề ra năm 2016 cao hơn ước thực hiện năm 2015 và cao nhất tính từ năm 2008 đến nay, song được coi là hợp lý, vì ba lẽ. Thứ nhất, chỉ tiêu này phù hợp với đà tăng lên của 3 năm qua, của các quý trong năm 2015. Thứ hai, đó cũng là tốc độ tăng phù hợp với các yếu tố tác động của năm 2016 (vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh hơn, công nghiệp - xây dựng đã trở lại thành động lực và đầu tàu tăng trưởng chung, quy mô xuất khẩu và lợi nhuận xuất khẩu tăng lên, thể chế kinh tế thị trường đầy đủ hơn...). Thứ ba, đó cũng là điều kiện cần thiết để đáp ứng các yêu cầu của năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và kế hoạch 5 năm 2016-2020 tránh bẫy thu nhập trung bình, chống tụt hậu xa hơn.

images1398333_thay_gi_tu_chi_tieu_kinh_te_nam_20161444919992.jpgẢnh Internet

Hai là, tăng trưởng xuất khẩu tuy không cao hơn so với tốc độ tăng của năm trước, nhưng có 3 điểm nhấn. Đó là, mức tăng tuyệt đối cao hơn (16,5 tỷ USD so với gần 15 tỷ USD), hệ số giữa tốc độ tăng xuất khẩu và tốc độ tăng GDP ở mức khá (gần 1,5 lần),  phù hợp với việc mở cửa, hội nhập sâu, rộng, với tầm cao mới. Vấn đề đặt ra là chuyển dịch mạnh hơn nữa cơ cấu mặt hàng, cơ cấu lại thị trường, trong đó chú trọng giảm nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, ... tăng xuất khẩu sang các thành viên TPP..

Ba là, xuất khẩu tăng khá, nhưng do nhập khẩu tăng cao hơn, nên nhập siêu theo kế hoạch đã tăng lên so với năm trước cả về quy mô tuyệt đối, cả về tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu (gần 5% so với 3.6%). Nhập siêu tăng so với năm 2015  tuy thể hiện đà tăng trưởng cao lên, nhu cầu đầu tư, tiêu dùng cao lên, nhưng lại làm mất cân đối về cán cân thương mại là xu hướng không tốt bởi nó liên quan đến sức cạnh tranh lâu dài của Việt Nam.

Bốn là, bội chi ngân sách/GDP - chỉ tiêu cân đối kinh tế vĩ mô có tầm quan trọng hàng đầu của một đất nước. Trong điều kiện cân đối thu/chi ngân sách gặp nhiều khó khăn, nợ công, nợ nước ngoài ở mức cao, dự trữ ngoại hối tăng lên, nhưng cũng chỉ mới vượt ranh giới an toàn theo thông lệ quốc tế, nên vấn đề đặt ra là cần làm cho chiếc bánh GDP to ra để có điều kiện giảm bội chi ngân sách.

Năm là, vốn đầu tư/GDP theo mục tiêu 2016 chỉ tương đương với tỷ lệ của năm trước, trong khi mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra cao hơn năm trước. Điều đó đặt ra hai vấn đề.

Một mặt, vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế, nên cần đẩy mạnh việc thu hút và thực hiện vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang có xu hướng tăng mạnh để tận dụng thời cơ khi Việt Nam tham gia TPP, thực hiện các FTA thế hệ mới. Mặt khác, phải nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm hệ số ICOR hiện ở mức cao so với nhiều nước.

Sáu là, CPI - mục tiêu đề ra cho năm 2016 thấp hơn tốc độ tăng GDP (5% so với 6,7%) trong khi khả năng năm 2016 cũng không tăng đột biến, vì hàng hóa nhiều nước sẽ vào Việt Nam nhiều hơn, trong khi thuế nhập khẩu giảm, giá thế giới giảm hoặc tăng thấp; nhu cầu ở trong nước cũng chưa vượt quá cung để tạo ra “cầu kéo”. Như vậy sẽ có hai vấn đề đặt ra.

Thứ nhất, cần chuyển đổi tư duy từ kiềm chế lạm phát sang kiểm soát lạm phát theo mục tiêu để tăng trưởng hợp lý.

Thứ hai, bất động sản có thể bước vào cơn sốt thứ tư tạo ra bong bóng, khi đó cần đề phòng vòng luẩn quẩn “bất động sản lên - vay nợ nhiều - siết nợ - bất động sản xuống - tài sản thế chấp bốc hơi - ngân hàng kiệt quệ - siết nợ càng cao”.

Theo Đầu tư

TIN LIÊN QUAN