Thức ăn nên là câu chuyện về căn bằng và hương vị chứ không phải là việc đong đếm calorie đầy áp lực và nhức đầu.
» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân
Ngày nay, béo phì, thực phẩm bẩn khiến chúng ta bị bao vây bởi những thông điệp về "ăn sạch" hay những hình ảnh gắn liền giữa đồ ăn với giảm cân. Đây không phải là sai lầm nhưng ít nhiều, nó biến ăn uống trở thành áp lực và không còn là một trong tứ khoái của đời người.
Dưới đây là 6 cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh với đồ ăn theo Netdoctor - trang tin tức về sức khỏe hàng đầu của Anh - chia sẻ:
1. Ngừng dán nhãn đồ ăn
"Để xây dựng mối quan hệ lành mạnh với thực phẩm hãy bắt đầu bằng việc không phân loại đồ ăn bằng các nhãn "tốt" - "xấu", "được phép" hay "không được phép". Khi đặt giới hạn những gì không nên ăn, chúng ta sẽ cảm giác thất bại, yếu kém khi ăn chúng. Đây là cách nhìn nhận thực phẩm sai lầm và sẽ dẫn đến những liên tưởng tiêu cực với thói quen ăn uống, hình ảnh cơ thể và sự tự tin của một người" - Susan Short, người phát ngôn của Hiệp hội dinh dưỡng Anh quốc, giải thích.
Hãy đảm bảo rằng không loại thức ăn nào bị dán nhãn và cho phép bản thân được thoải mái. Điều này sẽ giúp bạn hạn chế được việc ăn quá nhiều vì tâm lý "ăn bù" khi phải nhịn một loại thực phẩm nào đó quá lâu.
2. Thận trọng với mạng xã hội
Ngày nay, chúng ta không phải mất công tìm kiếm những lời khuyên về ăn uống - chúng ở khắp mọi nơi xung quanh ta, nhờ vào mạng xã hội. Hàng nghìn bài viết hướng dẫn về cách làm thế nào hay ăn gì để duy trì sức khỏe và có được cơ thể đẹp xuất hiện mỗi ngày.
Mặc dù mục đích đằng sau những bài viết này là tốt nhưng chúng vẫn có mặt tiêu cực. Không ít người bị ám ảnh trước những thông tin này và thường cảm thấy tội lỗi, xấu hổ nếu không tuân theo một chế độ ăn uống khoa học nào đó.
"Bất kỳ tài khoản mạng xã hội nào khiến bạn cảm thấy có lỗi vì thói quen ăn uống hay cơ thể mình không được hoàn hảo, đây là thời điểm để bạn ngừng theo dõi tài khoản đó. Mạng xã hội ra đời với mục đích giúp con người kết nối với nhau chứ không phải để khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ. Vì vậy, nếu điều đó xảy ra, bạn nên tạm ngưng, cho bản thân được nghỉ ngơi" - Caitlin Rabel, chuyên gia dinh dưỡng thực hành, phát biểu.
3. Thiết lập mục tiêu thực tế hơn
Đặt ra những mục tiêu "trên trời" và đột ngột như "Tôi sẽ loại bỏ hoàn toàn đường khỏi khẩu phần ăn" dễ dẫn bạn đến với cảm giác thất bại và vỡ mộng. Thay vào đó, bạn nên thiết lập những mục tiêu nhỏ và có khả năng thành công cao hơn, như "Tôi sẽ ngừng thêm đường vào trà". Hãy thiết lập những sự thay đổi mà bạn có thể duy trì suốt đời chứ không phải trong thời gian ngắn.
"Sử dụng ngôn ngữ tích cực khi nói tới ăn uống và xem việc có một chế độ ăn cân bằng lành mạnh là lối sống. Chúng ta có thể ăn mọi loại thức ăn. Một số loại được ăn hàng ngày, một số loại ít hơn và cần phải duy trì sự cân bằng" - Susan Short cho biết.
4. Tập trung khi ăn uống
Ăn chậm, cảm nhận từng miếng ăn và lưu ý đến cảm giác no bụng là những hành động có thể cải thiện mối quan hệ tích cực của bạn với đồ ăn, giúp bạn hòa nhịp hơn với nhu cầu của cơ thể.
"Hãy thực sự ngồi xuống tận hưởng bữa ăn của mình. Ngừng lại mọi hoạt động khác và cho phép bản thân cảm nhận mùi vị của thức ăn. Tập trung vào cảm xúc mà đồ ăn mang lại cho bạn thay vì quan tâm tới món ăn này tương đương với bao nhiêu calorie" - chuyên gia dinh dưỡng Caitlin Rabel tư vấn.
5. Định nghĩa khái niệm "lành mạnh" cho riêng mình
Nói về dinh dưỡng, ăn kiêng, không có phương thức nào đủ hoàn hảo để phù hợp với tất cả. Chuyên gia dinh dưỡng Amanda Kruse cho biết những đồ ăn có thể khiến bạn vui vẻ chưa hẳn đã phù hợp với sức khỏe và cách sống của người khác.
"Là bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, việc có thể giải thích khái niệm "sống lành mạnh" với mỗi người là khác nhau đã thực sự là một phần thưởng to lớn. Chẳng hạn, tôi yêu yoga, thích ăn gà với rau đút lò, uống cà phê đen, mê nấu nướng và ăn kem. Bạn tôi thích chạy, ăn pasta, uống trà, xem các chương trình nấu ăn và chocolate đen. Chúng tôi đều là những người trẻ có chế độ ăn uống cân bằng và luôn duy trì mức hoạt động phù hợp với nhu cầu. Chúng tôi đều sống lành mạnh. Không ai trong chúng tôi có thể tưởng tượng một ngày nọ sẽ sinh hoạt theo cách sống của người kia và điều đó là hoàn toàn bình thường!" - chuyên gia Amanda Kruse chia sẻ.
6. Không dùng thức ăn để giải tỏa stress hay cảm xúc
Hãy luôn tự hỏi tại sao bạn đói: Đã bao lâu rồi kể từ khi bạn ăn bữa gần nhất? Bạn có uống nước chưa? Bạn mệt mỏi hay áp lực? Danh sách câu hỏi này còn có thể kéo rất dài. Và hãy thừa nhận rằng rất nhiều lần chúng ta tìm đến đồ ăn chỉ để được sao lãng một chút trước đống cảm xúc tiêu cực đang chất chứa trong lòng.
"Xác định cảm xúc không chỉ giúp bạn biết cần phải làm gì mà còn ngăn bạn ăn một túi bim bim to chỉ vì thời hạn cho công việc đang ở trước mắt. Mỗi người có một cơ chế đối đầu với stress khác nhau, có thể là chạy, thiền, yoga hay gặp gỡ bạn bè. Hãy tìm ra cách thức có tác dụng với bạn. Dành thời gian để làm những việc khiến bạn thích thú để giảm thiểu những cảm xúc khiến bạn nghĩ đến ăn uống. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với đồ ăn" - chuyên gia Amanda Kruse phát biểu.
Theo Zing