Sáng 20/11 Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn bộ nội dung dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với đa số ý kiến tán thành.

Bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội trình bày tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Theo báo cáo giải trình, về chế độ hưởng lương hưu, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định đối với cán bộ nữ chuyên trách, không chuyên trách ở cấp xã có đủ 15 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi được nghỉ hưu hưởng mức lương hưu 45%; đồng thời, cân nhắc cho đồng bộ với nhóm lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Gần 12% ĐBQH không tán thành thông qua toàn bộ nội dung dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Gần 12% ĐBQH không tán thành thông qua toàn bộ nội dung dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
TIN LIÊN QUAN
Do còn ý kiến khác nhau về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã gửi Phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, đa số phiếu tán thành với việc bổ sung nhóm lao động nữ là người hoạt động chuyên trách, không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu như quy định tại khoản 3 Điều 54 (có 189/358 phiếu đồng ý với phương án này, chiếm tỷ lệ 53 %).

Sau khi tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, hiện nay cán bộ nữ ở cơ sở khi đủ 55 tuổi đã có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội khó có điều kiện để tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu, đảm bảo an sinh khi hết tuổi lao động và chính sách này cũng không ảnh hưởng đến cân đối Quỹ BHXH. Do vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho giữ như khoản 3 Điều 54 dự thảo Luật.

Đối với nhóm lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, dự thảo Luật đã quy định nhóm lao động nữ được nghỉ hưu ở độ tuổi từ đủ 50 tuổi đến 55 tuổi, trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì nghỉ hưu khi đủ 46 tuổi nhưng phải có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, tuy nhiên khi mức lương hưu của nhóm này thấp hơn mức lương cơ sở thì họ sẽ được điều chỉnh bằng mức lương cơ sở (điểm b, c khoản 1 Điều 54, khoản 1 Điều 55 và khoản 4 Điều 56).

Tuy nhiên, khi biểu quyết tại hội trường sáng 20/11 về nội dung thay đổi của Điều 54 thì có tới 95 ĐB không tán thành trong tổng số 425 ĐB tham dự, tỷ lệ 19,11%. Số ĐB không biểu quyết là 15 ĐB, tỷ lệ 3,02%.

Về điều chỉnh mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người tham gia BHXH (Điều 62) đa số ý kiến đại biểu tán thành với phương án của UBTVQH.

Có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định của Luật BHXH hiện hành; có ý kiến đề nghị từ ngày 01/01/2020 trở đi thì tiền lương hưu của khu vực công thực hiện theo cách tính bình quân của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu; đề nghị quy định hạch toán riêng Quỹ BHXH của khu vực công và tư; đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ phần chi lương hưu cho lực lượng vũ trang.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, để đảm bảo mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi chính sách BHXH phải dựa trên nguyên tắc đóng – hưởng, hướng tới bình đẳng trong công thức tính lương hưu giữa khu vực công và khu vực tư, đảm bảo an toàn đối với quỹ an sinh của hàng chục triệu người lao động tham gia, dự thảo Luật đã xây dựng thêm 2 lộ trình tính lương hưu trước khi thực hiện đầy đủ mục tiêu đóng – hưởng vào năm 2025 để không tạo sự chênh lệch lớn về mức lương hưu giữa các thế hệ. Đồng thời, dự thảo Luật đã bổ sung quy định Quỹ BHXH được hạch toán theo nhóm đối tượng tại khoản 4 Điều 5 dự thảo Luật.

Với 424 ĐBQH có mặt tại phiên họp, chiếm 85,31%, Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn bộ nội dung dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với 355 ĐB tán thành, chiếm tỷ lệ 71,43%. Số không tán thành là 59, chiếm tỷ lệ 11,87% và số không biểu quyết là 10, chiếm 2,01%.

Theo Infonet