Từ thập niên 1990, lục quân Trung Quốc có sự thay đổi lớn khi chuyển từ lực lượng chú trọng quân số sang công nghệ. Lục quân nước này đã cắt giảm 60% quân số trong hơn ba thập kỷ qua, nhưng vẫn tăng cường được sức mạnh nhờ được trang bị nhiều vũ khí mới, dù nhiều loại trong số đó được coi là sao chép từ nước ngoài, theoNational Interest.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Type-99
Đây là xe tăng thế hệ ba hiện đại nhất trong biên chế lục quân Trung Quốc. Được thiết kế và thử nghiệm từ đầu thập niên 1990, xe tăng Type-99 chịu ảnh hưởng lớn từ thiết kế Nga và phương Tây, cũng như có số lượng giới hạn chỉ 200-300 chiếc.
Tháp pháo Type-99 dường như là biến thể có hình dáng góc cạnh hơn một chút so với tháp pháo tròn của xe tăng T-72 Liên Xô, trong khi pháo chính cỡ nòng 125 mm là bản sao chép từ pháo 2A46, sử dụng cơ chế nạp đạn tự động với tốc độ bắn 8 phát/phút. Khoang đạn của xe chứa được 41 viên, gồm đạn xuyên giáp, nổ lõm chống tăng (HEAT) và nổ mảnh (HEF). Type-99 được cho là sở hữu biến thể của tên lửa chống tăng có điều khiển 9M119 Svir do Liên Xô chế tạo, cùng súng máy 12,7 mm phòng không và một súng máy đồng trục 7,62 mm.
Type-99 sở hữu động cơ công suất 1.500 mã lực, nhiều khả năng được sao chép từ động cơ Đức, giúp nó đạt tỷ lệ công suất trên khối lượng lớn hơn xe tăng M1 Abrams của Mỹ.
Giáp xe vẫn là một bí ẩn. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định bản chất của Type-99 là một xe tăng T-72 được trang bị thêm giáp phức hợp của Trung Quốc, cùng hệ thống điện tử và vũ khí nội địa. Một số nguồn tin cho rằng Type-99 được trang bị hệ thống phòng thủ chủ động, nhưng chưa có bằng chứng xác thực.
Hệ thống phòng không HQ-9
Bắc Kinh biên chế tổ hợp HQ-9 đầu tiên từ năm 1997, nhằm thay thế tên lửa phòng không HQ-2 lạc hậu, vốn là bản sao chép từ mẫu S-75 Dvina của Liên Xô. HQ-9 được thiết kế để bắn hạ tên lửa hành trình, máy bay và tên lửa đạn đạo từ khoảng cách 100 km.
HQ-9 được coi là bản sao chép từ hệ thống S-300 Liên Xô và MIM-104 Patriot Mỹ, ứng dụng công nghệ bám bắt qua tên lửa (TVM), khiến đối phương khó phát hiện và gây nhiễu quả đạn hơn các phương thức truyền thống.
Radar mảng pha HT-233 của HQ-9 có nhiều nét tương đồng với radar S-300 và Patriot, có thể bám bắt và dẫn bắn tên lửa tới nhiều mục tiêu cùng lúc. Các khẩu đội HQ-9 có thể kết nối với radar chuyên tìm kiếm mục tiêu tàng hình và bay sát mặt đất, tăng uy lực cho hệ thống phòng không này.
Tên lửa chống tăng HJ-8
HJ-8 là tên lửa chống tăng (ATGM) thế hệ hai được phát triển từ giữa thập niên 1980, đóng vai trò chủ lực trong lực lượng tên lửa chống tăng Trung Quốc hiện nay. Dù công nghệ trên HJ-8 tương đối lạc hậu, nó vẫn là vũ khí có hiệu quả cao, được phiến quân Syria sử dụng nhiều trong cuộc nội chiến từ năm 2011.
Dòng HJ-8 được xếp giữa mẫu TOW-2 của Mỹ và MILAN của châu Âu. Nó đạt tầm bắn ngang tên lửa TOW-2, nhưng đủ nhẹ để trang bị cho bộ binh mang vác như MILAN. Một tổ hợp HJ-8 có 4 bộ phận gồm máy đo hồng ngoại, giá đỡ ba chân, bộ phận điều khiển hỏa lực và một tên lửa, với tổng khối lượng trên 70 kg.
Tên lửa HJ-8 có tầm bắn tối đa 6.000 m, sử dụng hệ dẫn đường bán chủ động (SACLOS). Điểm hạn chế của HJ-8 là xạ thủ phải liên tục điều khiển đường bay của quả đạn cho đến khi chạm mục tiêu, khiến họ dễ bị đối phương phát hiện và đánh trả.
Xe lội nước lớp Z
Năm 2006, Trung Quốc hé lộ dòng xe đổ bộ bánh xích mới có tên ZBD-2000. Đây là xe chiến đấu bộ binh (IFV) có khả năng cơ động dưới nước với kíp lái ba người và chở được 8 binh sĩ. ZBD-2000 có tốc độ tới 45 km/h trên mặt nước nhờ một loạt ống phụt, cùng cánh nâng ở mũi và đuôi. Mẫu xe này có thể đạt tốc độ tối đa 65 km/h khi ở trên bộ.
ZBD-2000 được trang bị một pháo cỡ nòng 30 mm và súng máy đồng trục 7,62 mm, cùng hai tên lửa chống tăng HJ-73 ở hai bên tháp pháo. Pháo chính có thể khai hỏa khi xe hoạt động trên mặt nước.
Bắc Kinh còn phát triển biến thể xe tăng hạng nhẹ ZTD-05 với tổ lái 4 người và trang bị pháo 105 mm. Mẫu ZTD-05 có thể khai hỏa khi lội nước và bắn được tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser.
Tên lửa phòng không vác vai QW-1
Đây là tổ hợp tên lửa phòng không vác vai (MANPAD) do Trung Quốc sản xuất, được đánh giá là ngang ngửa mẫu FIM-92 Stinger của Mỹ.
QW-1 có tầm bắn tối đa 5.000 m và trần bắn 4.000 m. Phiên bản đầu tiên sử dụng một đầu dò hồng ngoại để khóa mục tiêu, trong khi các biến thể sau đó được tích hợp thêm một đầu dò tia cực tím như tên lửa Stinger. Phiên bản mới nhất của QW-1 được trang bị hệ thống phân biệt địch - ta và thiết bị đối kháng điện tử. Nhà sản xuất tuyên bố QW-1 có tỷ lệ diệt mục tiêu khoảng 70%.
Phiên bản xuất khẩu FN-6 từng được phiến quân Syria sử dụng rộng rãi để bắn hạ các máy bay tầm thấp của quân đội chính phủ Syria. Đây cũng là một trong những mẫu tên lửa bị nghi sử dụng trong vụ bắn rơi cường kích Su-25 của Nga hôm 3/2.