Dưới đây là những sự cố có thể xảy ra, dẫn đến tai nạn trong quá trình sử dụng hệ thống túi khí xe ô tô.

1. Đèn túi khí sáng liên tục

5-su-co-can-luu-y-o-tui-khi-o-to-hinh-anh-1.jpg
Trường hợp đèn túi khí sáng liên tục khi xe đang nổ máy là hiện tượng cảnh báo cho người lái biết hệ thống túi khí đang có lỗi. Một số nguyên nhân thông thường gây ra hiện tượng này như giắc điện bị ô-xy hóa hoặc bị đứt, cuộn xoắn trên vô lăng bị hỏng và cảm biến túi khí có vấn đề…

Khi gặp hiện tượng này, chủ xe cần sớm đưa xe đi chỉnh sửa, hoặc thay thế các phụ tùng nếu đã hư hỏng nặng.

2. Cảm biến không hoạt động

Dựa trên nguyên lý hoạt động của túi khí bao gồm bộ điều khiển điện tử sẽ nhận tín hiệu từ các cảm biến để xác định gia tốc giảm dần của xe. Khi bộ điều khiển nhận được tín hiệu gia tốc giảm dần đủ lớn hoặc khi bị va chạm sẽ cung cấp dòng điện kích nổ túi khí tương ứng.

Tuy nhiên, thực tế do quá trình sử dụng hay bảo quản chưa tốt có thể khiến cảm biến túi khí giảm đi độ nhạy, đồng thời làm khả năng kích hoạt bung túi khí chậm hơn hoặc thậm chí không bung ra kịp thời khi có va chạm với xe. Điều này cũng được xem là nguyên nhân chính gây ra những tai nạn không đáng có với người cầm lái, ngay cả trường hợp va chạm không quá nghiêm trọng.

3. Túi khí tự bung

Nguyên nhân quá hạn sử dụng của túi khí cũng gián tiếp tạo ra hiện tượng tự bung, hoặc bị kích nổ bất ngờ ở hệ thống túi khí trên xe. Đương nhiên, điều này còn gây ra mối nguy hiểm không kém đến quá trình điều khiển và quan sát của người lái.

Để khắc phục vấn đề này, chủ xe cũng cần đưa xe đến kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ hệ thống túi khí.

4. Quá hạn sử dụng

Các chốt của túi khí lâu ngày không được hoạt động, hoặc loạt túi khí được sản xuất từ rất lâu nhưng không bung ra trong quá trình sử dụng chỉ vì sự quá an toàn của người lái… thường là nguyên nhân dẫn tới tình trạng túi khí không hoạt động nếu có va chạm không đáng có.

Do đó, dù không sử dụng trong thời gian dài, nhưng chủ xe nên tiến hành thường xuyên kiểm tra hệ thống túi khí khi đến hạn bảo trì bảo dưỡng để đảm bảo túi khí luôn hoạt động tốt khi có xảy ra sự cố.

5. Khả năng gây nổ

Vụ việc nổi cộm gần nhất liên quan đến túi khí của Takata được nhiều chuyên gia nhận định là do hóa chất, vật liệu cấu tạo nên túi khí cộng với môi trường nhiệt độ và áp suất dẫn đến hiện tượng nổ, gây thương vong cho chính người lái.

Tuy đây là lỗi từ chính các nhà sản xuất túi khí nhưng với người tiêu dùng, điều quan trọng để biết được “bệnh tình” của túi khí không gì bằng việc kiểm tra, bảo dưỡng hiệu quả trước khi gặp sự cố thực tế.

* Nguyên tắc hoạt động của hệ thống túi khí

Theo tiêu chuẩn, ôtô thông thường được trang bị 2 túi khí, cho lái xe trong vô lăng và cho hành khách phía trước bố trí trên taplô.
Khi xe xảy ra va chạm, cảm biến túi khí sẽ xác định mức độ va chạm dựa vào gia tốc giảm dần. Mức độ va chạm vượt quá giá trị quy định, bộ điều khiển túi khí trung tâm sẽ gửi tín hiệu kích hoạt bộ phận tạo khí giải phóng một lượng khí lớn trong thời gian 10 - 40 phần nghìn giây làm căng phồng túi khí, tạo đệm khí giữa người và các phần cứng trong giúp hấp thụ phần lớn lực va đập.
Túi khí được kích hoạt phụ thuộc nhiều yếu tố như góc va chạm, hướng va chạm, lực va chạm chứ không hẳn phụ thuộc tốc độ xe. Túi khí phía trước được kích hoạt trong những trường hợp sau:
- Xe va chạm vào bức tường bêtông cố định ở tốc độ 25km/giờ.

- Vùng va đập trực diện phía trước tính từ tâm xe.

- Tông thẳng vào gờ (vỉa hè), vệt va đập tiếp xúc hết phần đầu xe nơi bố trí dầm chính chịu lực.

- Xe bị rơi xuống hố và đầu xe va vào phần gờ phía xa hơn.

- Xe lao đầu trực diện xuống vực.