1. Tự làm mọi thứ

Nhiều bố mẹ thường không muốn con làm việc nhà vì sợ sẽ làm vỡ, làm hỏng cái gì đó. Họ giành làm luôn mọi thứ cho con, chẳng hạn nhiều bà mẹ tự rửa bát, giành việc sắp xếp hành lý, đóng gói vali với con vì sợ con quên, bỏ sót thứ gì đó.

Bố mẹ tự làm thì mọi việc sẽ nhanh hơn. Nhưng nếu trẻ được tự làm thì sẽ học thêm kỹ năng sống, xử lý mọi việc độc lập. Đôi khi trẻ có thể gây rối, làm mọi việc đổ bể nhưng chính từ những kinh nghiệm đó, chúng mới rút ra được bài học.

2. Can thiệp ngay khi con gặp khó khăn

Nhiều bố mẹ lo lắng thái quá đến mức ngay khi thấy con gặp chút khó khăn trong cuộc sống là can thiệp. Chẳng hạn con kêu bài tập về nhà khó, bố mẹ vội vàng ngồi xuống giải giúp. Hay khi con chẳng may ngã, bố mẹ hốt hoảng lao vào, xuýt xoa rồi đỡ dậy.

Nếu muốn trẻ trưởng thành, bố mẹ cần dạy cho chúng cách đối phó với những cảm xúc khó chịu như thất vọng, hụt hẫng. Trẻ cũng cần cơ hội tự thực hành các kỹ năng giải quyết vấn đề. Bài tập khó, hãy để trẻ tự suy nghĩ tìm cách giải. Trẻ bị ngã, hãy để chúng tự đứng lên, tự phủi quần áo.

Vội vàng giải cứu ngay khi trẻ chớm gặp khó khăn có thể khiến chúng không thể học được cách tự vượt qua thử thách.

083841-1.jpgBố mẹ không nên vội vàng can thiệp khi con gặp khó khăn. Ảnh: Psycom

3. Quản lý tất cả hoạt động của con

Nhìn con tự làm mọi thứ theo cách riêng có thể khiến bố mẹ lo lắng vì sợ sẽ làm không đúng. Nhiều bố mẹ muốn mọi việc đi đúng quỹ đạo nên quản lý mọi hoạt động của con, yêu cầu con báo cáo tất cả những gì đã làm.

Chẳng hạn trẻ muốn mặc bộ nào đó đi chơi với bạn, bố mẹ cũng phải quản lý và đưa ra ý kiến. Tư tưởng này rất có hại, khiến trẻ ý lại, phụ thuộc vào người lớn. Trẻ cần được bố mẹ cho cơ hội để cư xử có trách nghiệm với hành động của bản thân.

4. Không để trẻ tham gia các hoạt động phù hợp với lứa tuổi

Có rất nhiều đứa trẻ, mặc dù lớn bố mẹ vẫn không dám để ở nhà một mình, hay để tự sang đường. Nhiều phụ huynh lo sốt vó, sợ chẳng may con gặp rủi ro, hay tổn thương nào đó. Họ không nhận ra con đủ tuổi để tham gia, trải nghiệm một số hoạt động xã hội, hoạt động cuộc sống thường ngày.

Trẻ đôi khi mắc sai lầm, bị tổn thương nhưng nếu hậu quả ở mức chấp nhận được thì bố mẹ nên để chúng trải nghiệm. Chịu những hậu quả tự nhiên do sai lầm bản thân gây ra sẽ khiến trẻ trưởng thành, cứng cáp hơn và cũng đưa ra các lựa chọn chính xác hơn.

5. Đề ra nguyên tắc cứng nhắc

Một số phụ huynh duy trì nguyên tắc cứng nhắc trong nhà, dù chúng thật sự chẳng cần thiết. Chẳng hạn việc cứ đúng một giờ trưa là con phải đi ngủ hay bữa tối phải ăn đúng giờ, không được chậm trễ. Các quy tắc này tất nhiên bố mẹ đưa ra để tốt cho con, nhưng đôi khi những điều lệ quá cứng nhắc và độc đoán có thể gây hại cho chúng.

Quy tắc là tốt, nhưng trẻ cần hiểu rằng sẽ có những trường hợp ngoại lệ. Ví dụ con bạn không được nói leo, nhưng nếu có vấn đề không ổn xảy ra như cháy nhà thì con cần xen vào để thông báo cho bố mẹ.

Thay vì chỉ đưa ra quy tắc cứng nhắc, bố mẹ hãy dạy cho tư duy linh hoạt, sẵn sàng bẻ cong quy tắc nếu cần.