Người dùng các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay,…thường tự tin vào khả năng bảo vệ của các phần mềm diệt vi-rút được cài đặt trên thiết bị. Bên cạnh đó, việc người dùng sử dụng mật khẩu mạnh cho các ứng dụng và các biện pháp bảo mật như mạng riêng ảo (VPN) và tường lửa cũng làm tăng lên sự tự tin của người dùng trước tin tặc.

Ảnh minh hoạ.

Tuy nhiên, tất cả các giải pháp trên không thể bảo vệ tuyệt đối cho người dùng trước các cuộc tấn công ngày càng tinh vi của tội phạm mạng. Thiết bị công nghệ của người dùng vẫn có nguy cơ bị tin tặc tấn công nếu vẫn còn giữ các thói quen nguy hiểm sau:

1. Sử dụng chung một mã PIN cho các ứng dụng khác nhau

Người dùng thường ngại nhớ nhiều mã PIN và có thói quen đặt một mã PIN dễ nhớ cho điện thoại thông minh, máy tính lẫn những dịch vụ trực tuyến như mạng xã hội, thậm chí cả tài khoản ngân hàng. Theo các chuyên gia bảo mật, đây là cách làm nguy hiểm và để bảo vệ chính mình, người dùng nên sử dụng mã PIN khác nhau cho các thiết bị và dịch vụ. Nếu khó nhớ, người dùng có thể xem xét sử dụng trình quản lý mật khẩu.

2. Luôn bật kết nối Bluetooth 24/7

Bluetooth là công nghệ vô tuyến tầm ngắn hoạt động tương tự như Wi-Fi và mạng di động nhưng thực hiện các tác vụ đơn giản hơn ở phạm vi ngắn hơn. Người dùng không cần tín hiệu di động hoặc kết nối mạng để sử dụng Bluetooth và nó không sử dụng dữ liệu.

Giống như mạng Wi-Fi hoặc kết nối khác, Bluetooth cũng tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật khiến tin tặc lợi dụng để tấn công. Tội phạm mạng có thể ở gần và cố gắng kết nối với thiết bị mục tiêu bằng thủ thuật đánh lừa người dùng, sau đó xâm nhập vào các thiết bị của người dùng. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, người dùng nên tắt kết nối Bluetooth khi không cần dùng đến.

3. Không bảo vệ mạng Wi-Fi gia đình

Nhiều người dùng sau khi lắp đặt Wi-Fi trong nhà thường giữ nguyên tài khoản và mật khẩu mặc định của bộ định tuyến, nhưng đây chính là cách nguy hiểm, tạo điều kiện cho tin tặc xâm nhập và tấn công thiết bị kết nối với mạng đó. Khi thâm nhập được vào mạng Wi-Fi, tin tặc có thể tải xuống các tệp nguy hiểm hoặc truy cập các trang web bất hợp pháp thông qua bộ định tuyến của người dùng.

Thậm chí, chúng có thể biến mạng này thành một phần của mạng đã bị nhiễm phần mềm độc hại (Botnet) để tấn công từ chối dịch vụ ở quy mô lớn hơn. Vì vậy, các chuyên gia bảo mật khuyên người dùng nên tạo mật khẩu mạnh cho cho bộ định tuyến Wi-Fi của mình.

4. Nhấn hủy đăng ký khi nhận được thư rác

Nếu người dùng nhận được bản tin hoặc email quảng cáo từ các thương hiệu có uy tín thì việc nhấn nút hủy đăng ký sẽ có hiệu quả vì các công ty này thường tuân theo các quy định về tiếp thị qua email.

Tuy nhiên, đối với thư rác không mong muốn từ những người gửi không xác định, việc nhấn vào hủy đăng ký thực sự có thể khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Người dùng vô tình xác nhận rằng địa chỉ email của mình đang hoạt động, điều này có thể dẫn đến người dùng nhận được nhiều thư rác hơn. Vì vậy, người dùng lưu ý khi nhận được email ngẫu nhiên từ người gửi không xác định, hãy đánh dấu email là thư rác trong ứng dụng email.

5. Nhấp vào quảng cáo và tải tập tin từ các trang web không rõ nguồn gốc

Những trang web chiếu nội dung lậu về phim ảnh, bóng đá hay cá độ được xem là nơi chứa nhiều quảng cáo độc hại. Theo các chuyên gia bảo mật, tội phạm mạng thường tạo các quảng cáo, sau đó lừa người dùng nhấp vào, khiến họ vô tình tải về vi-rút hay mã độc tống tiền mà không hay biết.

Do đó, người dùng nên tránh bấm vào các quảng cáo này. Nếu cần tìm thông tin về sản phẩm hoặc nội dung có trong quảng cáo, có thể sử dụng công cụ tìm kiếm để nhập và kiểm tra. Cách này có thể tốn thời gian, nhưng đảm bảo an toàn hơn.