(Baonghean) - Chi trả dịch vụ môi trường rừng là chính sách mới, quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn vướng mắc, nhưng với sự nỗ lực cố gắng chung, nhất là sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, bước đầu tạo động lực góp phần bảo vệ, phát triển rừng bền vững...
Nghệ An có tổng diện tích tự nhiên 1.649.853,2 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp 1.176.150,3 ha (chiếm 71% diện tích tự nhiên) và hệ thống sông suối dày đặc, lại có đủ các vùng sinh thái như: vùng núi, trung du, đồng bằng ven biển... là điều kiện thuận lợi lớn cho việc cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Song chi trả dịch vụ môi trường rừng là một chính sách có tính đặc thù, chưa có tiền lệ ở Việt Nam, nên việc triển khai để đạt kết quả tốt là chuyện không đơn giản.
Lường trước những khó khăn, phức tạp đó, trong quá trình thực hiện công tác trên UBND tỉnh đã có sự quan tâm chỉ đạo bài bản, chặt chẽ. Gắn với việc thành lập quỹ, tỉnh tổ chức Ban điều hành, Hội đồng quản lý, ban kiểm soát và giao trách nhiệm cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thực hiện chính sách chi trả DVMTR.
Để đưa quỹ đi vào hoạt động có hiệu quả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tỉnh đã chọn cán bộ có phẩm chất, năng lực, trẻ và tâm huyết, trách nhiệm tham gia Ban điều hành, Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát; đồng thời xây dựng và thực hiện nghiêm điều lệ, quy chế hoạt động; giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, xây dựng ban hành hướng dẫn việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR.
Nhờ đó, quá trình hoạt động quỹ đã có nhiều tìm tòi sáng tạo, thực hiện nhiều biện pháp tích cực, hiệu quả. Đáng kể nhất quỹ đã phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn; chủ động tham mưu giúp UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản chỉ đạo phù hợp; tích cực huy động và sử dụng nguồn thu phục vụ kịp thời công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Đối với công tác huy động nguồn, quỹ coi đây là khâu then chốt trong thực hiện nhiệm vụ. Bởi có làm tốt công tác huy động mới có nguồn tiền để thực hiện chính sách chi trả và ngược lại, nên quỹ thường xuyên bám sát kế hoạch, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của các cơ quan cấp trên; vận dụng nhiều hình thức, tăng cường đôn đốc các đơn vị đã ký hợp đồng ủy thác kê khai và nộp tiền DVMTR về quỹ.
Mặc dù “vừa hành quân, vừa sắp hàng”, nhưng với cách làm đó, 5 năm qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã trực tiếp đàm phán thành công và ký hợp đồng ủy thác với 15 cơ sở sử dụng DVMTR, trong đó 10 cơ sở sản xuất thủy điện và 5 cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch. Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thường xuyên rà soát để mở rộng nguồn thu, nhất là các cơ sở sử dụng DVMTR đang triển khai xây dựng để tuyên truyền, đàm phán ký hợp đồng ủy thác khi nhà máy đi vào hoạt động như: Nhà máy thủy điện Chi Khê, Xoỏng Con, Khe Thơi, Bản Ang, Tiền Phong, Ca Nan, Nhãn Hạc, Đồng Văn, Châu Thắng...
Đồng thời đang tiếp tục rà soát, nghiên cứu để triển khai mở rộng nguồn thu từ nuôi trồng thủy sản, các cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ có sử dụng nguồn nước... Do đó, nguồn thu hàng năm không chỉ tăng nhanh mà còn bảo đảm cho việc thực hiện chính sách ngày càng bền vững.
Theo số liệu tổng hợp, đến 31/12/2015, tổng thu lũy kế của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An đạt 240.998 triệu đồng. Trong đó: Năm 2012: 43.637 triệu đồng (tiền DVMTR: 43.281 triệu đồng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng: 357 triệu đồng); Năm 2013: 45.370 triệu đồng (tiền DVMTR: 44.336 triệu đồng, tiền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng 1.035 triệu đồng); Năm 2014: 51.256 triệu đồng (tiền DVMTR: 49.408 triệu đồng, tiền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng: 1.848 triệu đồng); Năm 2015: 100.734 triệu đồng (tiền DVMTR: 69.261 triệu đồng, tiền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng: 31.472 triệu đồng). |
Công tác chi trả được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đặc biệt coi trọng. Thực tế cho thấy, việc chi trả không những cần kịp thời mà còn phải đảm bảo công bằng, chính xác nhằm tránh nảy sinh nhiều hệ lụy khó lường, như dễ gây mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, rừng khó được bảo vệ phát triển.
Để làm tốt công tác chi trả, bên cạnh phối hợp với các huyện xây dựng mạng lưới chi trả đến cấp cơ sở, hướng dẫn thực hiện chính sách chi trả dịch vụ MTR, quỹ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và giám sát.
Hàng năm, quỹ đã đưa chế độ kiểm tra, giám sát đi vào nề nếp. Riêng năm 2015, quỹ phối hợp triển khai hơn 20 đợt kiểm tra, giám sát các chương trình, dự án được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí tại quỹ và 6 tháng đầu năm 2016 đã tổ chức các đoàn công tác kiểm tra hoạt động bảo vệ rừng gắn với chi trả DVMTR tại nhiều huyện trọng điểm... Qua đó giúp quỹ sớm phát hiện, xử lý, uốn nắn những bất cập, thiếu sót trong thực hiện chính sách, nhất là việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR tại cơ sở, các xã, thôn, bản.
Qua kiểm tra khảo sát của các đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Cục Lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, hoạt động của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An được đánh giá là một trong những đơn vị đã thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR của cả nước.
Ngoài số tồn ngân sách truy thu năm 2011, 2012 do tại thời điểm đó chưa có hồ sơ chi trả (nay đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giải ngân tại Công văn 1820/TTg-KTTH ngày 13/10/2015), các năm còn lại về cơ bản công tác thu và giải ngân được tiến hành đồng thời. Lũy kế đến hết kế hoạch giải ngân năm 2015 (30/4/2016), quỹ đã giải ngân tổng số tiền là 174.098 triệu đồng.
Kết quả giải ngân tăng đều qua các năm, cụ thể như sau: Năm 2012: 17.564 triệu đồng (chi tiền DVMTR); Năm 2013: 20.494 triệu đồng (chi tiền DVMTR); năm 2014: 29.137 triệu đồng (tiền DVMTR: 27.336 triệu đồng, hỗ trợ trồng rừng thay thế: 1.801 triệu đồng); năm 2015: 106.903 triệu đồng (tiền DVMTR: 97.874 triệu đồng, hỗ trợ trồng rừng thay thế: 9.030 triệu đồng).
Đáng ghi nhận, việc chi trả không những kịp thời, đến tay người nhận khoán mà còn góp phần tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế giúp người dân miền núi yên tâm gắn bó với rừng, tích cực góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương thuộc khu vực miền núi, biên giới.
Theo số liệu tổng hợp, số lượng chủ rừng và người dân hưởng lợi từ chi trả tiền DVMTR tăng từng năm, đi liền với đó số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng tăng lên. Cụ thể: Năm 2012 số chủ rừng thụ hưởng tiền DVMTR là 3 đơn vị với 765 hợp đồng giao khoán; đến năm 2015, số chủ rừng hưởng thụ là 6.026 trường hợp, trong đó gồm 10 chủ rừng là tổ chức, 40 UBND xã, 5.976 hộ gia đình, cá nhân được giao đất lâu dài, với trên 10.000 hợp đồng giao khoán.
Nhiều hộ gia đình tham gia nhận khoán bảo vệ rừng với diện tích lớn, đạt chất lượng tốt đã được nhận tiền chi trả DVMTR hàng chục triệu đồng/năm. Ví như tại lưu vực thủy điện Hủa Na, Cửa Đạt, năm 2015 mỗi hộ dân nhận khoán bảo vệ 30 ha rừng thì thu nhập từ tiền DVMTR đạt 12.000.000 đồng/năm.
Được hưởng lợi chính sách, người dân hăng hái tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tích cực góp phần ngăn chặn nạn đốt phá rừng trái phép. Rừng được bảo vệ tốt hơn, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng giảm dần qua các năm.
Năm 2011, số vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn tỉnh là 1.366 vụ, nhưng đến năm 2015 số vụ vi phạm giảm còn 695 vụ. Chính sách đã từng bước góp phần ổn định, đảm bảo diện tích rừng, duy trì độ che phủ của rừng, nâng cao chất lượng rừng và góp phần cải thiện chất lượng môi trường sinh thái.
Năm 2014, tổng diện tích giao khoán BVR trong các lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An (theo hồ sơ TKKT BVR được cấp có thẩm quyền phê duyệt) 97.258,38 ha, thì năm 2015 tổng diện tích khoán BVR đã được lập hồ sơ và thực hiện chi trả là 228.106,85 ha.
Mặc dù đã đạt được kết quả quan trọng, nhưng lãnh đạo quỹ vẫn xác định thực tế còn nhiều việc cần quan tâm giải quyết, tháo gỡ. Trong đó có nhiều việc cần phải có sự vào cuộc của tỉnh và Trung ương. Vì vậy thời gian tới, bên cạnh phải nỗ lực phấn đấu vươn lên của mình, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An mong nhận được quan tâm chỉ đạo, sâu sát hơn nữa của UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các ngành, các cấp, chính quyền liên quan, có như vậy mới đưa chính sách chi trả DVMTR ngày càng thiết thực, hiệu quả, góp phần tạo động lực thúc đẩy nghề rừng của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Mọi thông tin về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, bạn đọc truy cập tại đây!
Hải Yến