(Baonghean.vn) - Ma túy và bạo lực đang len lỏi vào học đường, thuốc lá, internet, xâm hại tình dục là những mỗi nguy hiểm đang rình rập gây hại đến con em chúng ta.
1. Ma túy đang len lỏi vào học đường
Thống kê mới nhất của Bộ Công an cho thấy, cả nước đã ghi nhận hơn 1.000 học sinh sử dụng ma túy, chủ yếu là ma túy đá và các loại ma túy tổng hợp. Tem giấy, bùa lưỡi, cỏ Mỹ... là những loại ma túy mới xuất hiện trên thị trường với giá không quá đắt nên giới trẻ (đặc biệt là học sinh) có thể dễ dàng tiếp cận.
Những đối tượng mua bán, sử dụng ma túy hiện nay thường tìm đến các trường THPT ở các thành phố, thị xã để tiếp cận, dụ dỗ học sinh. Lợi dụng tâm lý tò mò, thích thử cái mới của lứa tuổi, những đối tượng buôn bán ma túy đã lôi kéo các em sử dụng thử. Những đối tượng này thường hứa hẹn nhiều điều với mục đích lôi kéo, khống chế và điều khiển người sử dụng ma túy. Việc mua bán thường diễn ra tại các quán Internet hoặc quán cà phê gần trường học.
Ma túy tổng hợp có sức hút đặc biệt, không gây mức độ lệ thuộc mạnh từng giờ, từng phút mà có thể kéo dài khoảng cách giữa các lần sử dụng hàng tuần, hàng tháng mà không lên cơn nghiện, vật thuốc như các loại ma túy truyền thống. Đa số giới trẻ lầm tưởng cỏ Mỹ, thuốc lắc, ma túy đá… không phải là ma túy, không gây nghiện nên mất cảnh giác và dễ dàng bị dụ dỗ, lôi kéo và tái sử dụng nhiều lần.
Ban đầu, các em thử vì tò mò và nghĩ không nghiện, sử dụng một lần không sao. Sau đó, mức độ sử dụng ngày càng tăng, các em tìm đến ma túy gây nghiện mạnh hơn và phải dang dở con đường học vấn, sức khỏe suy kiệt, tinh thần hoang tưởng, hoảng loạn.
2. Bạo lực học đường
Tình trạng bạo lực học đường hiện nay đang diễn ra hết sức phức tạp. Chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt thường ngày mà các em đã ứng xử với nhau thiếu lòng nhân ái, trái với chuẩn mực đạo đức xã hội, truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam.
Không chỉ xảy ra tình trạng bạo lực giữa các em học sinh, hiện nay, nhiều em còn thiếu ý thức, vô cảm trước những hành vi bạo lực, không can ngăn mà còn sử dụng điện thoại di động để quay video clip và đưa lên mạng xã hội như một sự cổ súy cho những hành vi bạo lực này.
Trước hết là các em học sinh chưa được giáo dục đầy đủ về đạo đức, nhân cách, lối sống, chưa có đủ kỹ năng để ứng phó và giải quyết các tình huống xảy ra hàng ngày; sự thay đổi tâm sinh lý lứa tuổi, luôn muổn khẳng định mình, cũng có thể dẫn đến những hành vi lệch lạc, thiếu kiểm soát, thiếu kiềm chế.
Bên cạnh đó, một số bố mẹ thiếu quan tâm đến con cái, không thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, những diễn biến tâm lý, tình cảm của con cái để kịp thời uốn nắn những lệch lạc, hướng con em theo một con đường tốt đẹp.
Bên cạnh đó, từ phía xã hội, mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động đến tâm lý, tình cảm của học sinh, các em rất dễ bị cuốn theo lối sống thực dụng, đua đòi, thiếu lành mạnh, hành vi bạo lực từ mạng internet, phim ảnh, game online.
3. Thuốc lá
Thanh, thiếu niên là lứa tuổi đang phát triển, đang định hướng và trưởng thành về tâm sinh lý và nhân cách. Giai đoàn này các em chịu tác động và ảnh hưởng không nhỏ của gia đình, môi trường sống và giáo dục của nhà trường, xã hội nên hay học đòi như hút thuốc lá theo các bạn mà không biết rằng hút thì rất dễ nhưng để bỏ thuốc thì là cả một cuộc chiến gian nan. Hơn nữa các em cũng không phải là tuổi để nghĩ và hiểu về những hậu quả của khói thuốc lá gây ra.
Ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ. Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có 70 chất gây ung thư, dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm khác nhau như ung thư phổi, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn, vô sinh....
Theo điều tra năm 2010, 56% người hút thuốc ở bắt đầu hút trước tuổi 20 đa số là do sự hiểu biết cụ thể về tác hại của thuốc lá còn hạn chế, kiến thức của mọi người dân trong đó có các em thanh, thiếu niên chưa được trang bị một cách đầy đủ.
Thuốc lá gây ô nhiễm môi trường sống, làm giảm chất lượng học tập và hiệu quả làm việc, bào mòn sự thông minh, sáng tạo của thế hệ trẻ và tất nhiên sẽ làm mất dần chất xám của dân tộc Việt Nam, lứa tuổi mà hiện nay chúng ta đang rất cần xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng.
4. Internet
Bên cạnh lợi ích mang lại của internet thì trên mạng có rất nhiều trang web độc hại, có nội dung xấu ảnh hưởng cực kỳ không tốt đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.
Trẻ em đang ở trong lứa tuổi đi học nên sau giờ học các em có rất nhiều thời gian rảnh rỗi. Lứa tuổi này có bản tính rất tò mò, muốn khám phá nhiều thứ, trong khi bố mẹ lại không có thời gian để quản lý các em. Việc truy cập vào các trang web độc hại sẽ khiến các em sao nhãng học hành, hoặc trở nên nghiện máy tính, nghiện Facebook.
Ngoài việc bị tiêm nhiễm bởi các nội dung độc hại, trẻ em còn có thể bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ khi kết bạn trên mạng xã hội. Đã có rất nhiều trường hợp các em gái bị lừa bán sang bên kia biên giới hoặc bị xâm hại tình dục sau khi kết bạn với đối tượng xấu trên mạng xã hội.
Trên thế giới, 15 trẻ đã tự tử khi lên mạng xã hội tham gia vào trò chơi “Cá voi xanh” (Trò chơi khuyến khích các thành viên tự gây đau đớn cho cơ thể và ở mức độ cao nhất là tự sát). Ngoài ra, khi tham gia mạng xã hội, các em cũng có thể trở thành đối tượng bị "bắt nạt" trên mạng xã hội. Đã có trường hợp một em gái đã tìm đến cái chết khi bị ghép ảnh làm nhục trên Facebook.
5. Xâm hại tình dục
Xâm hại tình dục hiện đang trở thành vấn đề nhức nhối khi hàng loạt những vụ việc nghiêm trọng bị phát giác.
Một thực tế là nếu như trước đây trẻ bị xâm hại thường là 13 - 18 tuổi, thì nay lại xuất hiện rất nhiều vụ việc ở lứa tuổi 5 - 13 tuổi. Thông thường khi các con ở lứa tuổi dậy thì, cơ thể bắt đầu nảy nở, phát triển về giới tính thì cha mẹ mới nghĩ đến việc con có thể bị xâm hại tình dục nhưng trên thực tế, các con dưới 9 tuổi cũng có thể bị xâm hại tình dục.
Tội phạm xâm hại tình dục có thể xảy ra với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, mọi lúc, mọi nơi, ở cả những vùng hẻo lánh, vùng sâu vùng xa. Tội phạm bây giờ không phải chỉ xâm hại trực tiếp mà còn xâm hại gián tiếp như dẫn dụ nạn nhân, làm quen qua mạng, tặng quà rồi yêu cầu gặp mặt… Không chỉ xâm hại một người mà nhiều người cùng một lúc. Trong khi đó, nhiều cha mẹ còn mù mờ và coi nhẹ việc nhận định nguy cơ đối với con mình.
Hoa Lê
(Tổng hợp)