Ra đời sau nhưng không quân đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong tác chiến hiện đại. Mỹ và Anh nằm trong 5 quốc gia hùng mạnh nhất về không quân.

Trong thế kỷ 19, lục quân và hải quân một số nước bắt đầu tận dụng các thiết bị bay nhẹ hơn không khí (tức các phương tiện như khinh khí cầu – ND). Trong cuộc chiến tranh Italy-Thổ Nhĩ Kỳ năm 1911, thiết bị bay nặng hơn không khí (như phi cơ) lần đầu tiên được sử dụng để ném bom các vị trí của đối phương. Chỉ một vài năm sau đó, các loại oanh tạc cơ cỡ lớn có thể cất cánh từ các sân bay của Đức rồi trút bom xuống thành London, thậm chí "hàng đàn" máy bay tiêm kích và cường kích có thể quần thảo ở mặt trận phía Tây của châu Âu.

Ngày nay sức mạnh không quân đóng vai trò thiết yếu trong hầu hết mọi hoạt động quân sự. Hàng không quân sự dù mới chỉ có một lịch sử tuy ngắn nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng. Bài viết này xem xét 5 lực lượng không quân đã sử dụng sức mạnh của mình rất hiệu quả để làm công cụ thực hiện các chiến lược quốc gia và bảo vệ sự sống còn của quốc gia:

Không quân Hoàng gia Anh

images1199383_khong_quan_anh_tzme.jpgMột phi cơ của Không quân Hoàng gia Anh. Ảnh: Lloyd H.
Vào ngày 1/4/1918, chính phủ Anh đã kết hợp các đơn vị bay Hoàng gia (trực thuộc lục quân Hoàng gia khi đó) với binh chủng Không quân thuộc Hải quân Hoàng gia thành một tổ chức thống nhất – Không quân Hoàng gia Anh. Lực lượng không quân này trở thành lực lượng không quân độc lập về mặt tổ chức đầu tiên trên thế giới, không chịu sự chỉ đạo của các tư lệnh lục quân và hải quân Anh.

Không quân Hoàng gia Anh đã phải “vật lộn” với các quân chủng còn lại để giành lấy ngân sách cũng như sự quan tâm cho mình trong suốt thập niên 1920 và 1930.

Khi Thế chiến thứ 2 nổ ra, Bộ chỉ huy Tiêm kích của Không quân Hoàng gia Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần đánh bại chiến dịch không chiến do Đức phát động trong trận chiến Anh quốc. Sau đó họ hỗ trợ tích cực cho việc chiếm lại các lãnh thổ bị Đức Quốc xã kiểm soát. Bộ chỉ huy Duyên hải (cũng của Không quân Anh) đã phá hủy nhiều tàu bè ven biển của Đức và tham gia hỗ trợ cho việc đánh bại cuộc tiến công bằng tàu ngầm của Đức ở Đại Tây Dương.

Kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2, Không quân Hoàng gia Anh vẫn là một lực lượng có tầm quan trọng toàn cầu, hỗ trợ cho các chiến dịch quân sự của Anh và liên minh của Anh trên phạm vi thế giới. Mặc dù không còn đóng vai trò chiến lược như trước đây, các máy bay tiêm kích-ném bom của Không quân Anh tiếp tục đóng góp vào hoạt động phòng thủ của tổ chức NATO.

Không quân Mỹ

Một máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ. Ảnh: Không quân Mỹ.

Ngay sau chiến tranh, trong nội bộ quân đội Mỹ đã có các cuộc đấu tranh gay gắt, với kết quả là Không quân được tách ra thành một lực lượng độc lập.Không quân Hoa Kỳ ra đời vào ngày 18/9/1947 trên cơ sở sáp nhập chức năng của Không quân Lục quân Mỹ, tổ chức Hàng không Lục quân Mỹ, và các đơn vị tín hiệu của Lục quân Mỹ. Từ năm 1941 đến năm 1945, Không quân Lục quân Mỹ đã đóng góp nhiều công sức giúp Mỹ giành chiến thắng trước Nhật Bản cũng như Đức. Lực lượng đồng minh đã dựa nhiều vào đóng góp đó của Không quân Lục quân Mỹ để có thể giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Dù có những vấn đề nhất định về việc xác định sứ mệnh, trên thực tế Không quân Mỹ đã đóng vai trò chính trong việc hỗ trợ cho các hoạt động quân sự của Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam. Sau Chiến tranh Việt Nam, Không quân Mỹ đã phát triển thêm một số loại máy bay chiến đấu thuộc loại lợi hại nhất của họ, bao gồm F-15 Eagle, F-16 Viper và A-10 Warthog.

Ngày nay không nghi ngờ gì nữa Không quân Mỹ là lực lượng không quân hùng mạnh nhất hành tinh. Ưu thế trên không của Mỹ giúp Mỹ có thể tác chiến mọi nơi trên thế giới.

Không quân của Hải quân Mỹ

Hai chiếc phi cơ (màu trắng) của Hải quân Mỹ bay hộ tống một chiếc máy bay B-52 (màu đen) khi chiếc máy bay B-52 bay lướt qua một hàng không mẫu hạm. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Trong Thế chiến thứ 2, các phi công của hải quân Mỹ đã giúp Mỹ giành thắng lợi trong chiến dịch Đại Tây Dương, bảo vệ các tàu mặt nước trước các tàu ngầm U-boat của phát xít Đức, đồng thời phá hủy vô số tàu ngầm Đức. Ở mặt trận Thái Bình Dương, các phi công thuộc hải quân Mỹ đã làm tê liệt cuộc tiến công của người Nhật ngay từ nơi xuất phát tại Biển San Hô, Midway, và Guadalcanal. Hải quân Mỹ tiến hành chuyến bay đầu tiên từ một chiến hạm vào năm 1911, sử dụng một boong tạm gắn chặt vào khu trục hạm USS Birmingham. Hàng không hải quân phát triển nhanh chóng trong thời kỳ giữa chiến tranh, lợi dụng các hạn chế của Hiệp ước Hải quân Washington để xây dựng hoặc chuyển đổi 6 chiếc tàu sân bay cỡ lớn. Chương trình tàu sân bay của Hải quân Mỹ vẫn tồn tại sau các xung đột nội bộ giữa các quân chủng của quân đội Mỹ.

Không quân hải quân Mỹ cũng đi đầu trong các chiến dịch tấn công ồ ạt năm 1943 và 1944, giải phóng những nơi Nhật chiếm đóng và đưa ngọn lửa chiến tranh về trên đất Nhật. Vào lúc đỉnh điểm, hải quân Mỹ đưa vào sử dụng trên 100 tàu sân bay thuộc nhiều kích cỡ, cùng với vô số thủy phi cơ, máy bay đậu trên cạn, và thậm chí cả một số máy bay ném bom chiến lược dùng cho mục đích săn tàu ngầm.

Ngành hàng không hải quân Mỹ đóng vai trò quan trọng trong tất cả các cuộc xung đột thời Chiến tranh Lạnh và hậu Chiến tranh Lạnh, giúp Mỹ có khả năng phản ứng nhanh trước các tình huống khủng hoảng. Ngày nay hải quân Mỹ sở hữu một trong các lực lượng không quân hùng mạnh nhất thế giới, có khả năng thực hiện gần như mọi sứ mệnh trao cho lực lượng không quân. Mười tàu sân bay hạt nhân của hải quân Mỹ (cùng với 8 tàu sân bay hạng nhẹ) là bằng chứng sinh động thể hiện rõ nét sức mạnh quân sự của Mỹ.

Hàng không hải quân Đế quốc Nhật Bản

Máy bay tiêm kích Zero (do hãng Mitsubishi chế tạo) của Đế quốc Nhật trong Thế chiến 2. Ảnh: Warbirddepot.

Bên cạnh chiến đấu cơ A6M “Zero” – một máy bay đã xóa nhòa ranh giới giữa tiêm kích xuất phát từ trên bộ và tiêm kích xuất phát từ hàng không mẫu hạm, các phi công, máy bay và tàu sân bay của hải quân Đế quốc Nhật đã thống trị Thái Bình Dương trong 6 tháng liền, đẩy hai lực lượng hải quân lớn nhất thế giới vào thế phải rút lui. Tương tự  hải quân Mỹ, hải quân Đế quốc Nhật Bản khởi động chương trình hàng không hải quân vào những năm trước Thế chiến thứ 1. Hồi năm 1922, hải quân Nhật Bản sở hữu chiếc tàu sân bay đầu tiên của mình (HIJMS Hosho). Sau đó họ nhanh chóng xây mới và chuyển đổi một số tàu sân bay nữa. Trong quá trình xây dựng không quân của hải quân, người Nhật chú trọng bảo đảm chất lượng ở cấp chiến thuật và chiến dịch. Quá trình huấn luyện bay chuyên sâu đã giúp hải quân Nhật có được những phi công vào hàng tốt nhất thế giới. Học thuyết chiến dịch được Nhật phát triển một cách công phu đã thống nhất lực lượng tàu sân bay thành Kido Butai – một công cụ thể hiện rõ sức mạnh của Nhật Bản.

Các phi công hải quân Nhật Bản đã phá hủy cơ bản hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đánh chìm 5 chiến hạm lớn và phá hủy 3 chiến hạm khác. Ba ngày sau đó, các oanh tạc cơ của hải quân Nhật xuất phát từ đất liền đã đánh đắm tàu HMS Repulse và tàu HMS Prince of Wales ngoài khơi Malaya. 

Kido Butai khi đó đã đuổi toàn bộ hạm đội Viễn Đông của Anh lùi sâu vào Ấn Độ Dương, đồng thời tiến hành các cuộc tấn công từ Columbo cho đến Darwin làm cho hải quân Hoàng gia Anh và hải quân Hoàng gia Australia bị thiệt hại nặng.

Rốt cuộc, sức mạnh của đội tàu sân bay hải quân Nhật lại trở thành điểm yếu của nó. Nhu cầu ngày càng cao về huấn luyện đã khiến cho việc tuyển phi công gặp nhiều khó khăn. Bốn tàu sân bay Nhật bị phá hủy trong trận hải chiến Midway đã làm giàm sức mạnh hủy diệt của KidoButai. Máy bay và phi công Mỹ từng bước vượt qua máy bay và phi công Nhật một cách chắc chắn. 

Người Nhật vào thời điểm đó thiếu thời gian và nguồn lực để thực hiện việc huấn luyện mới và chế tạo các khung máy bay tiên tiến hơn. Hàng không hải quân Nhật Bản về cơ bản đã mất sức chiến đấu sau trận chiến Biển Philippines. Trong trận này, các phi công Mỹ đã "tàn sát" các phi công Nhật Bản.

Không quân Đức Quốc xã

Máy bay chiến đấu của Không quân phát xít Đức (Luftwaffe). Ảnh: www.ipmsstockholm.se.
Vào đầu thập niên 1930, không quân Đức Quốc xã (Luftwaffe) không tồn tại với tư cách là một thể chế. Ký ức về các trận ném bom vẫn còn tươi rói trong trí óc người Anh. Hiệp ước Versailles đã áp đặt các giới hạn rõ rệt đối với sức mạnh không quân của Đức. Thế nhưng sức mạnh quân sự của Đức đã phát triển rầm rộ trở lại vào giữa thập niêm 1930, do có sự dung dưỡng từ phương Tây vì họ lo ngại về Liên Xô khi ấy.

Trong bối cảnh đó, chế độ Đức Quốc xã đã lập ra lực lượng Luftwaffe vào năm 1935 với tư cách là quân chủng không quân của quân đội Đức. Tuy chỉ tồn tại trong 10 năm, lực lượng này đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm thay đổi bản đồ châu Âu.

Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền, chỉ trong vài năm các kỹ sư Đức đã xây dựng được một trong các lực lượng không quân hiệu quả nhất trong lịch sử. Sau khi ban đầu định xây dựng một lực lượng ném bom chiến lược, không quân Đức cuối cùng đã khôn ngoan tập trung vào nhiệm vụ hỗ trợ cho quân đội Đức chinh phục hầu hết châu Âu. Luftwaffe đã phát triển trình độ tác chiến hỗ trợ cho lục quân cũng như phản công nhằm áp đặt ưu thế trên không trước các đối phương và tạo thuận lợi cho đà tiến của lục quân Đức.

Sau đó không quân Đức phải tung các máy bay tiêm kích của mình vào cuộc đối đầu với các oanh tạc cơ Mỹ và Anh trong chiến dịch ném bom tổng lực vào các cơ sở của Luftwaffe, với hệ quả là hai bên cùng chịu tổn thất kinh khủng.

Cuối cùng nguồn lực của phe đồng minh đã đuổi kịp và vượt nước Đức phát xít. Mỹ, Anh và Liên Xô đều sản xuất được máy bay nhiều hơn Đức. Không những vậy phe đồng minh còn có những máy bay tốt hơn cùng các phi công được huấn luyện kỹ càng hơn. Vào thời điểm Đức đầu hàng, lực lượng Luftwaffe gần như đã ngừng tồn tại.

Các thế lực không quân tương lai

Trong vài thập kỷ tới, lực lượng không quân của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc có thể trỗi dậy và thay thế vị trí của các lực lượng không quân nói trên. Sự phát triển về quy mô, sức mạnh và trình độ chuyên môn của Không quân Ấn Độ cũng khiến lực lượng này trở thành một ứng viên tiềm năng.

Theo VOV.VN

TIN LIÊN QUAN