Tiêm kích đa năng Su-35S
Sukhoi Su-35S là tiêm kích chiếm ưu thế trên không hàng đầu của Nga hiện nay, đại diện cho đỉnh cao của dòng tiêm kích thế hệ 4++. Ngoài khả năng cơ động vượt trội, Su-35 còn có nhiều hệ thống điện tử và vũ khí ngang ngửa tiêm kích tối tân của phương Tây.
Su-35S được trang bị radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) N035 "Irbis-E", có khả năng phát hiện và bám bắt máy bay tàng hình tốt hơn các loại radar đời cũ. Nó có thể đồng thời theo dõi 30 tiêm kích đối phương ở khoảng cách 400 km hoặc máy bay tàng hình và tên lửa hành trình từ cách 80 km, sau đó dẫn bắn cho tên lửa tới 8 mục tiêu cùng lúc.
Dù tiêm kích Su-35S ban đầu được phát triển chủ yếu cho xuất khẩu, không quân Nga đã quyết định mua hàng chục chiếc để bổ sung cho các phi đội Su-27 cũ kỹ. Nhiều máy bay được biên chế tại vùng Viễn Đông từ năm 2016 và đã tham gia chiến dịch can thiệp quân sự của Nga tại Syria.
Ngoài Nga, Trung Quốc hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới biên chế dòng Su-35S, sau khi đặt mua 24 chiếc với trị giá hơn hai tỷ USD hồi năm 2015.
Tiêm kích bom Su-34
Su-34 là tiêm kích bom hiện đại được chế tạo nhằm thay thế dòng cường kích chiến thuật Su-24 ra đời từ thời Liên Xô. Đây là chiến đấu cơ kế thừa tốc độ và khả năng cơ động của tiêm kích Su-27, cùng sức tải tương đương nhiều loại oanh tạc cơ lớn thời Chiến tranh Lạnh.
Su-34 được tối ưu cho nhiệm vụ tấn công mục tiêu mặt đất và trên biển. Ngoài nhiệm vụ đối đất và đối hải, Su-34 có khả năng không chiến tốt nhờ trang bị các loại tên lửa đối không tầm ngắn và tầm trung. Nga từng triển khai nhiều phi đội Su-34 đến Syria để không kích các mục tiêu khủng bố từ năm 2016.
Trong chiến dịch tại Syria, tiêm kích bom Su-34 chủ yếu sử dụng bom dẫn đường bằng vệ tinh KAB-500S và dẫn quang học KAB-500Kr, bom thông thường FAB-500, tên lửa đối không tầm ngắn R-73 và tầm trung R-27, cùng tổ hợp tác chiến điện tử Khibiny. Các loại vũ khí này cho phép nó tiêu diệt mục tiêu phiến quân với độ chính xác cao, đồng thời đủ sức tự vệ trước nhiều mối đe dọa trên không.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90A
Xe tăng T-90A do Nga sản xuất được coi là một trong những mẫu tăng chiến đấu chủ lực hiện đại nhất hiện nay. Xe được trang bị nhiều lớp bảo vệ tiên tiến, gồm giáp phản ứng nổ (ERA) Kontakt-5 và tổ hợp phòng thủ thụ động Shtora-1 có thể vô hiệu hóa tên lửa chống tăng có điều khiển.
T-90A được trang bị pháo chính 2A46M5 cỡ nòng 125 mm với hệ thống nạp đạn tự động. Vũ khí uy lực nhất của T-90A là tên lửa chống tăng 9M119 Refleks được phóng qua nòng với tầm bắn 100-4.000 m, gấp đôi các loại đạn pháo thông thường của phương Tây. Mỗi quả đạn Refleks đủ sức xuyên thủng lớp giáp thép cán đồng nhất (RHA) dày 900 mm sau khi phá hủy giáp ERA bảo vệ bên ngoài.
Xe còn được trang bị súng máy đồng trục 7, 62 mm cùng súng máy NSV cỡ nòng 12, 7 mm để diệt bộ binh và mục tiêu bay tầm gần.
Tàu hộ vệ tên lửa Đô đốc Gorshkov
Đô đốc Gorshkov là chiếc đầu tiên thuộc Đề án 22350, lớp tàu hộ vệ tàng hình hạng nặng đầu tiên do Nga chế tạo sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tàu dài 135 m, rộng 16 m, có lượng giãn nước toàn tải 5.400 tấn, được thiết kế để đảm nhận nhiều nhiệm vụ như tấn công tầm xa, săn ngầm và phòng không, nâng cao năng lực tác chiến biển xa của hải quân Nga trong thế kỷ 21.
Vũ khí chủ lực của Đô đốc Gorshkov là 16 ống phóng thẳng đứng cho tên lửa chống hạm siêu thanh P-800 Oniks hoặc tổ hợp tên lửa đa năng Kalibr. Trong cuộc tập trận Vostok-2018, tàu dự kiến phô diễn năng lực tác chiến của tổ hợp Kalibr nâng cấp với tầm bắn tối đa tới 2.500 km.
Để phòng thủ, Đô đốc Gorshkov được trang bị 32 ống phóng thẳng đứng chứa tên lửa đối không tầm trung 9M96 và tầm ngắn 9M100, hai tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Palash, ống phóng ngư lôi 324 mm cùng pháo hạm A-192M cỡ nòng 130 mm, thường chỉ xuất hiện trên tàu khu trục có lượng giãn nước trên 7.000 tấn.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Type-99
Type-99 là xe tăng thế hệ ba hiện đại nhất trong biên chế lục quân Trung Quốc. Được thiết kế và thử nghiệm từ đầu thập niên 1990, nó chịu ảnh hưởng lớn từ thiết kế Nga và phương Tây, được trang bị cho các đơn vị tinh nhuệ nhất của Trung Quốc với số lượng chỉ 200-300 chiếc.
Tháp pháo Type-99 dường như là biến thể có hình dáng góc cạnh hơn một chút so với tháp pháo tròn của xe tăng T-72 Liên Xô, trong khi pháo chính cỡ nòng 125 mm là bản sao chép từ pháo 2A46, sử dụng cơ chế nạp đạn tự động với tốc độ bắn 8 phát/phút. Type-99 nhiều khả năng sở hữu biến thể của tên lửa chống tăng 9M119 Svir do Liên Xô chế tạo, cùng súng máy 12,7 mm phòng không và một súng máy đồng trục 7,62 mm.
Type-99 sở hữu động cơ công suất 1.500 mã lực, dường như được sao chép từ động cơ Đức, giúp nó đạt tỷ lệ công suất trên khối lượng lớn hơn xe tăng M1 Abrams của Mỹ.
Giới chuyên gia nhận định bản chất của Type-99 là một xe tăng T-72 được trang bị thêm giáp phức hợp của Trung Quốc, cùng hệ thống điện tử và vũ khí nội địa. Một số nguồn tin cho rằng Type-99 được trang bị hệ thống phòng thủ chủ động, nhưng chưa có bằng chứng xác thực.