Những người chăm sóc trẻ cần lưu ý quan sát trẻ ngay từ những tháng đầu đời, bởi ngay từ khi mới sinh ra trẻ đã bắt đầu có tuổi nghe, vì nếu không nghe được trẻ sẽ không nói được.
Cha mẹ có thể căn cứ vào các dấu hiệu sau để nhận biết bệnh khiếm thính ở trẻ nhỏ:
- Trẻ sơ sinh: Dựa trên phản xạ nghe - cử động của trẻ. Bình thường trẻ chớp mắt, cử động chân tay, khóc, hoặc giật mình khi có tiếng động. Trẻ bị khiếm thính sẽ không có các đáp ứng trên.
- Trẻ vài tháng đến 1 tuổi: Biết chú ý, nhìn, quay đầu theo hướng phát âm của các dụng cụ như lục lạc, chuông. Khi nghe các âm quá to như tiếng sấm, còi ô tô... sẽ giật mình, thức giấc hoặc khóc. Trẻ khiếm thính sẽ không có các phản xạ này.
- Trẻ từ 1-3 tuổi: Đã biết nói theo, nói được các từ thông thường như bà, mẹ, ăn.... Nếu khiếm thính trẻ biểu hiện chậm nói, nói ngọng, hay không nói được. Trẻ không phản ứng khi người lớn hỏi, gọi hoặc chỉ đáp ứng trước các âm thanh có cường độ lớn.
- Trẻ trên 3 tuổi: Các dấu hiệu như trên ngày càng rõ rệt như nói quá ngọng, chỉ nói được một số phụ âm hay nguyên âm nào đó.
- Trẻ ở lứa tuổi học đường: Trẻ nghe kém, tiếp thu bài chậm, học kém so với các bạn cùng lớp, không tập trung, dễ cáu, không muốn tiếp xúc, trò chuyện, không muốn tham gia các hoạt động tập thể ...