Những chiếc túi xách, ví hay thắt lưng có mép nhẵn, da không bị biến dạng khi kéo, gập cùng đường may sạch sẽ... đều có độ bền cao.

Chất da

1-6179-1434101298.jpgBề mặt của chất liệu thể hiện chất lượng sản phẩm.

Đây là một trong những dấu hiệu dễ thấy và cũng là quan trọng nhất để đánh giá một sản phẩm bằng da có tốt không. Những loại da thường gặp thường được sơn màu hoặc có mùi giống như đĩa than. Để kiểm tra chất lượng, bạn hãy kéo và bẻ cong vải để xem chất liệu có dấu hiệu bị rạn, nứt hay rách không. Những mẫu có sức đàn hồi, không bị biến dạng đều có thể xem là tốt. Bên cạnh đó, da tốt thường có cảm giác nặng khi cầm, đeo bởi mật độ sợi dày. Ngược lại, các mẫu da quá nhẹ nên được xem xét kỹ trước khi mua.

Ngoài ra, bạn nên chú ý tới các vết nhơ, lằn trên da. Chúng có thể xuất hiện từ khi con vật bị côn trùng cắn lúc còn sống hoặc vùng da đó có mỡ tích tụ. Một sản phẩm bằng da được coi là tốt khi người nghệ nhân có thể tránh hoặc giấu mọi điểm hạn chế này vào trong.

Đường khâu

Đồ da khâu tay, đặc biệt là theo kiểu saddle stitch (hai kim khâu đan chéo, ngược nhau tạo thành nút thắt ở từng lỗ khâu và đường thẳng ở hai mặt da, ưu điểm mũi khâu chìm, chắc chắn), được coi là loại sản phẩm bền và có tính thẩm mỹ cao. Thậm chí, sản phẩm khâu tay theo kỹ thuật saddle stitch còn chắc chắn tới nỗi ngay cả khi chỉ đứt cũng không bị tuôn như khâu bằng máy, muốn tháo cũng phải dùng tay để gỡ từng nút.

Đường khâu theo kiểu saddle stitching giúp cho đồ da được bền chắc theo thời gian.

Mép da

Các sản phẩm bằng da chỉ được đánh giá tốt khi mép của chúng được mài và đánh nhẵn cẩn thận. Điều này nhằm giúp tạo ra lớp vỏ bảo vệ phần da mềm bên trong trước các tác động của tự nhiên. Nếu mép da không được chăm chút đúng mức, phần da bên trong dễ bị nhiễm hơi ẩm rồi hỏng, mốc.

Đồ da tốt thường được làm từ nhiều lớp da và có phần mép dính các lớp này lại như một khối thống nhất. Đây là kỹ thuật khó và chỉ có nghệ nhân lâu năm kinh nghiệm mới thực hiện được. Một số người cho rằng việc nhuộm da có thể ảnh hưởng đến chất lượng mép vải nhưng thực tế không phải vậy. Về cơ bản, màu da chỉ phục vụ tính thẩm mỹ và không ảnh hưởng đến độ bền.

Đồ da được làm bằng chất liệu tốt và xử lý cẩn thận sẽ bền lâu với thời gian.

Đường cắt may

Tùy thuộc vào hình dạng sản phẩm, các miếng da sẽ được cắt và ghép lại với nhau cho phù hợp. Ví dụ: với một mẫu ví dạng gập, các miếng da phải được cắt ghép sao cho phần gấp lại không được căng quá khi sử dụng. Bằng không, nó sẽ gây ra sự bất tiện cũng như ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của sản phẩm.

Chỉ

Sợi chỉ tốt cũng sẽ giúp tăng độ bền cho sản phẩm. Chỉ linen là loại được sử dụng trên đồ da nhất bởi nó có nguồn gốc gốc từ tự nhiên và có độ bền, thẩm mỹ cao, còn hơn cả chỉ nilon. Tuy vậy, chất vải này dễ bị khô và đứt. Vì thế, các nghệ nhân phải bôi sáp ong vào trước và trong quá trình khâu da nhằm giúp cho chỉ chạy trơn tru mà không rối vào nhau. Chỉ linen được đánh giá là tốt khi nó trông nhẵn, gọn gàng và sắc nét.

Theo VNE