Bất chấp hàng loạt sự cố và trì hoãn tiến độ, tiêm kích tàng hình F-35 vẫn có những dấu hiệu chứng tỏ sự thành công.
Tiêm kích F-35A biểu diễn khả năng cơ động.
Màn trình diễn hàng loạt động tác cơ động khó làm mãn nhãn khán giả của siêu tiêm kích F-35 tại triển lãm hàng không Paris cuối tháng trước là một trong những dấu hiệu cho thấy dự án F-35 đang vượt qua khó khăn để chạm tới thành công, theoNational Interest.
Quá trình thử nghiệm hoàn thiện
Chương trình F-35 sẽ bước vào quá trình bay thử nghiệm toàn diện nhất lịch sử không quân Mỹ trong năm nay. Ba biến thể dành cho không quân, hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ đã trải qua 8.000 chuyến bay đánh giá hiệu suất mà không gặp trở ngại nào. Mỗi biến thể đều đáp ứng thông số kỹ thuật, khiến chúng trở thành chiến đấu cơ có khả năng sống sót cao.
Cảm biến dung hợp, tác chiến kết nối mạng và các tính năng khác của F-35 đã được kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo khả năng phát hiện mục tiêu và tung đòn tấn công phủ đầu trong các trận không chiến. Giai đoạn kiểm tra biến thể F-35C cho hải quân Mỹ được đánh giá là lần thử nghiệm trên biển thành công nhất lịch sử.
Biên chế đại trà
Biến thể F-35B của thủy quân lục chiến Mỹ đã biên chế được hai năm, trong khi mẫu F-35A cho không quân đã vận hành từ một năm trước, từng được triển khai đến Nhật Bản và châu Âu. Israel, quốc gia duy nhất ở Trung Đông đồng ý mua F-35, cũng đang vận hành tiêm kích này.
Hơn 200 chiếc F-35 đã được bàn giao cho khách hàng, con số này sẽ tăng lên 600 chiếc vào năm 2020. Trên 400 phi công và 4.000 nhân viên kỹ thuật đã trải qua các khóa huấn luyện ở 12 căn cứ đang vận hành chiến đấu cơ này. Trong cuộc diễn tập Red Flag gần đây, F-35A có tỷ lệ diệt mục tiêu 20-1 so với máy bay F-15 và F-16 đóng vai quân xanh.
Chi phí giảm
F-35A, biến thể được đa số đồng minh của Mỹ đặt mua, dự kiến có giá 85 triệu USD/chiếc vào năm 2019. Mức giá này ngang với phiên bản mới nhất của tiêm kích F-16. Việc sản xuất F-35 sẽ đạt đỉnh vào năm 2026 và giá bán của chúng có thể sẽ tiếp tục được cắt giảm, tăng sức hấp dẫn với khách hàng.
Nhu cầu tăng mạnh
Washington vẫn duy trì kế hoạch mua 2.457 tiêm kích F-35 kể từ khi dự án bắt đầu vào năm 2001. Quân đội Mỹ duy trì kế hoạch này qua nhiều đời tổng thống suốt 16 năm qua, bất chấp những lỗi kỹ thuật nảy sinh trong quá trình phát triển tiêm kích.
Hầu hết các đối tác quốc tế cũng bám trụ cùng chương trình này, đồng thời xuất hiện một số đối tác mới như Đan Mạch, Israel, Nhật Bản và Hàn Quốc. Canada là nước duy nhất hủy hợp đồng mua sắm F-35, nhưng nhiều khả năng nước này sẽ đổi ý sau khi thấy được lợi thế của loại tiêm kích này.
Phi công yêu thích
Hiệu suất tuyệt vời của F-35 đều do các phi công thử nghiệm tiết lộ. Hải quân Mỹ cho biết tiêm kích hạm F-35C chứng tỏ được tính năng tuyệt vời trong lần đầu thử nghiệm trên biển.
Một phi đội trưởng tham gia cuộc diễn tập Northern Lightning 2016 khẳng định "không thể hài lòng hơn" với tiêm kích F-35, trong khi phi công đóng vai trò quân xanh cho biết không thể phát hiện ra chiếc F-35. Nhìn chung, các phi công đều cho rằng siêu tiêm kích này sở hữu ưu thế vượt trội so với các chiến đấu cơ trước đó.
Hỏa lực mạnh, tầm hoạt động rộng và khả năng nhận thức tình huống tốt giúp F-35 trở thành tiêm kích làm thay đổi cuộc chơi, duy trì ưu thế của Mỹ so với các đối thủ tiềm tàng, chuyên gia phân tích Lorent B. Thomson nhấn mạnh.
Theo VNE