Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200,000 người bị đột quỵ. Tuy nhiên, đái tháo đường làm tăng nguy cơ bị đột quỵ lên gấp 3 lần. Vì vậy, các gia đình có người thân bị đái tháo đường nắm vững các dấu hiệu sớm phát hiện đột quỵ và 1 số kỹ năng sơ cứu cơ bản là vô cùng cần thiết.
Người tiểu đường có nguy cơ cao bị đột quỵ
Theo GS Phạm Gia Khải - Nguyên Viện trưởng viện tim mạch Việt Nam - Nguyên Chủ tịch hội Tim mạch học Việt Nam: Đường huyết tăng cao ở bệnh tiểu đường làm tăng lắng đọng cholesterol tại thành mạch, từ đó làm gia tăng các mảng xơ vữa tại thành mạch, giảm khả năng đàn hồi của mạch máu.
Mặt khác, đường huyết cao lâu ngày dẫn đến mạch máu có thể bị viêm, lâu ngày làm chít hẹp lòng mạch gây bít tắc mạch máu, làm ngưng trệ tuần hoàn. Khi mạch máu não bị tắc, sẽ dẫn đến đột quỵ, nhồi máu não. Phần não không được nuôi dưỡng sẽ bị tổn thương, khiến phần cơ thể chịu sự điều khiển ở phần não đó bị liệt.
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ (tai biến mạch máu não), hơn 50% trong số đó tử vong và 90% số người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng như liệt nửa người, rối loạn vận động, mất ý thức, thậm chí phải sống đời thực vật.
Theo các chuyên gia y tế, vào mùa đông, lượng bệnh nhân bị đột quỵ sẽ tăng từ 10-15% so với ngày thường. Ở những bệnh nhân bị tiểu đường có kèm huyết áp cao, tình trạng này còn nguy hiểm hơn bởi nguy cơ đột quỵ có thể tăng gấp đôi.
Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân vào cấp cứu đều không được sơ cứu đúng cách. Đau lòng hơn, nhiều trường hợp tim bệnh nhân ngừng đập trước khi đến viện. Do đó, các gia đình những người cao tuổi, đặc biệt là những người bị tiểu đường, cần nắm vững các dấu hiệu sớm phát hiện đột quỵ và 1 số kỹ năng sơ cứu cơ bản.
Dấu hiệu phát hiện sớm đột quỵ và kỹ năng sơ cứu cơ bản
Theo GS Khải, thời gian vàng để đưa các bệnh nhân đột quỵ đến các cơ sở y tế chuyên sâu là càng sớm càng tốt, nên sớm hơn 4 giờ đầu tính từ khi bệnh nhân có các dấu hiệu sau:
Đột ngột hôn mê hoặc lú lẫn, rối loạn nhận thức, mất ý thức, mất thăng bằng.
Đột ngột nói khó hoặc nói ngọng, méo mồm.
Rối loạn thị giác ở một hoặc hai mắt như tối mắt, mờ mắt, nhìn đôi, mù mắt
Tê, yếu hoặc liệt mặt, tay và chân, thường bị ở một bên của cơ thể.
Đi không vững, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc mất phối hợp vận động.
Đau đầu dữ dội.
Trong lúc chờ xe cứu thương tới, người nhà bệnh nhân cần sơ cứu người bệnh lần lượt theo các bước sau:
Nhẹ nhàng cố định đầu và cổ người bệnh trong tư thế thoải mái, nới lỏng quần áo, không được xốc người bệnh lên, hạn chế tối đa việc di chuyển người bệnh.
Hô hấp nhân tạo nếu người bệnh ngừng thở.
Nếu có dấu hiệu co giật, cần đặt giữa hai hàm răng của người bệnh 1 chiếc khăn quấn quanh 1 chiếc thìa để tránh cắn vào lưỡi.
Làm sạch đường hô hấp bằng cách lau hoặc hút nếu người bệnh tiết nhiều dịch.
Nghiêng người bệnh sang 1 bên sao cho dịch không tràn vào lấp kín đường hô hấp, nếu bị liệt cho nằm nghiêng sao cho bên liệt ở trên, bên lành ở dưới.
Nếu họ còn tỉnh, cần trấn an, động viên tinh thần, nhắc người bệnh hít sâu, thở chậm.
Không cạo gió, xoa bóp người bệnh.
Theo VNN