Nhiều phụ huynh thường coi nhẹ hoặc bỏ qua việc dạy trẻ cách tư duy về tiền bạc. Tuy nhiên, đây là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự thành công của trẻ trong tương lai.

Bạn có thể tham khảo những lời khuyên của bậc thầy về kiến thức tài chính, tỷ phú Warren Buffett, để áp dụng trong nuôi dạy con.

1. Xây dựng thói quen quản lý tiền bạc từ sớm

Chúng ta cố gắng dạy trẻ rất nhiều thói quen tốt trong cuộc sống, bao gồm cư xử lịch sự, tử tế và tôn trọng người khác, luôn đúng giờ và học tập thật chăm chỉ. Tư duy về tiền bạc cũng nên được đặt trong danh sách này, bởi nó quyết định đứa trẻ sau này có khả năng cân đối chi tiêu và sống thoải mái với số tiền kiếm được hay không.

Theo Warren Buffett, thói quen là thứ khó cảm nhận lúc mới đầu nhưng dần dần sẽ không dễ để phá vỡ. Nếu trẻ có một số thói quen xấu liên quan đến tiền bạc và bạn không đủ tinh ý để nhận ra hoặc không cố gắng định hướng, về sau bạn sẽ rất khó thay đổi. Do đó, hãy quyết định thật khôn ngoan từ sớm thay vì cố cứu vãn khi đã quá muộn.

062552-1.jpgWarren Buffett được coi là nhà đầu tư đại tài, bậc thầy về quản lý tài chính. Ảnh: Observer

2. Tích tiểu thành đại

Đầu tiên, bạn hãy dạy trẻ những khái niệm cơ bản về tài chính và giúp trẻ cảm thấy hạnh phúc với những thành tựu nhỏ. Chẳng hạn, một cô gái 16 tuổi hoàn toàn có thể sở hữu tài khoản tiết kiệm riêng. Bố mẹ đóng vai trò cố vấn để đưa ra lời khuyên lúc cần thiết. Tuy vẫn còn đi học, em có thể tìm việc làm thêm trong mùa hè để kiếm tiền tiêu vặt.

Sau đó, bạn nên để trẻ làm quen với việc đưa ra lựa chọn đơn giản. Nếu mua cái này bây giờ, trẻ sẽ không đủ tiền để mua cái khác đắt hơn vào thời điểm mong muốn. Buffett tin rằng chìa khóa của thành công là bắt đầu từ những thói quen nhỏ, duy trì sự lựa chọn nhất quán cho đến khi nhận rõ tác động của nó. Chẳng hạn, làm thế nào mà đứa trẻ A có thể tiết kiệm đủ tiền để mua ôtô khi đang học trung học, trong khi đứa trẻ B thì không? Bí quyết nằm ở chỗ đứa trẻ A chọn uống nước lọc có sẵn thay vì mua nước ngọt trong mọi bữa trưa ở trường.

3. Đừng tiết kiệm những gì còn lại sau khi tiêu, hãy tiêu những gì còn lại sau khi tiết kiệm

Đây là câu nói nổi tiếng của tỷ phú Buffett khi bàn về tiết kiệm. Để áp dụng, bạn có thể dạy trẻ đặt ra một số tiền làm mục tiêu, sau đó lên kế hoạch tiết kiệm và theo dõi chi tiêu. Ví dụ, mỗi khi nhận được một khoản tiền nào đó, trẻ có thể trích phần trăm để cho vào lọ trước khi tính toán sẽ dùng phần còn lại cho những việc gì. Trẻ cũng sẽ nhận ra là nếu bỏ bớt việc cần chi tiêu, trẻ sẽ có thêm tiền tiết kiệm. 

Phụ huynh là tấm gương gần nhất mà trẻ thường muốn bắt chước. Do đó, trong cuộc sống hàng ngày, bạn có thể chỉ cho con thấy rằng bố mẹ không chi tiền cho việc không cần thiết, hoặc lựa chọn một số thứ có giá thành rẻ hơn nhưng chất lượng không quá khác biệt.

4. Phân biệt nợ xấu và nợ tốt 

Đến một lúc nào đó, con của bạn có thể muốn vay một khoản tiền để triển khai ý tưởng kinh doanh vừa nảy sinh trong đầu. Mặc dù Buffett nói rằng không có khoản nợ nào là hoàn toàn tốt, ít nhất những khoản đầu tư cho tương lai như vậy vẫn xứng đáng để ủng hộ, trái ngược với việc ứng trước tiền để chi tiêu không hợp lý.

Việc của phụ huynh là trao đổi kỹ càng, giúp con hiểu rõ sự khác biệt giữa nợ xấu và nợ tốt, nhằm ngăn chặn bước đi tồi tệ đầu tiên.