1. Lốp xe
Sau một thời gian làm việc lốp bị mòn không đồng đều, trên bề mặt lốp sẽ xuất hiện những “điểm nặng”, “điểm nhẹ”. Nếu “điểm nặng” ở giữa mặt lốp sẽ làm xe bị nẩy lên khi xe chạy; trong trường hợp “điểm nặng” nằm ở mặt bên của lốp gọi mất cân bằng “động”. Điều này làm cho lốp xe bị lắc lư qua lại khi xe chạy.
Việc mất cân bằng lốp xe bắt đầu được cảm nhận ở tốc độ khoảng 50 km/giờ và nhận thấy rõ nhất ở tốc độ khoảng 80 km/giờ. Nếu rung động cảm nhận đến từ tay lái thì cần kiểm tra lốp xe phía trước, nếu rung động cảm nhận nhiều hơn ở các ghế xe, thì các lốp xe phía sau nên được cân bằng.
2. Vành xe
Khi chạy xe, vành bị va với lề đường có thể không gây hư hỏng nhưng nếu chú ý có thể sau đó xe chạy bị rung. Điều này là do vành bánh xe hay bán trục bị cong, làm cho chuyển động quay của bánh xe không đúng quỹ đạo gây ra rung động, hoặc đơn giản là bị văng mất các thanh trì sử dùng khi cân bằng động.
Việc vành bánh xe hay trục bị cong cần kiểm tra bằng thước đo để đo độ lệch. Hầu hết các nhà sản xuất cho phép không quá 1/32 của 1 inch độ lệch. Vành bánh xe bằng thép có thể làm cho thẳng. Vành bánh xe bằng nhôm (vành đúc) thì phải thay mới.
3. Hệ thống truyền lực
Hệ thống truyền lực gồm các chi tiết như: hộp số, trục các-đăng, các khớp nối, truyền lực chính, vi-sai… dùng để truyền chuyển động từ động cơ tới các bánh xe. Trong suốt quá trình làm việc, các chi tiết này tham gia các chuyển động quay liên tục, vì vậy, sự hư hỏng hoặc mài mòn của các chi tiết trong cụm này cũng có thể gây ra rung, lắc xe.
Ngoài ra, mòn hoặc lỏng khớp chữ thập các-đăng có thể là nguyên nhân gây rung động, nhất là trong quá trình tăng, giảm tốc độ. Điều này dễ hiểu vì tốc độ quay của trục các đăng lớn gấp 3 - 4 lần so với tốc độ quay của bánh xe. Cần kiểm tra các khớp các đăng nếu rơ lỏng thì nên được thay thế. Nếu tiếp tục sử dụng với một khớp các đăng mòn có thể làm nó bị vỡ ngoài việc làm rung lắc xe còn gây ra tiếng ồn khó chịu.
4. Hệ thống phanh
Rung động xảy ra khi đạp phanh cho thấy trống phanh hoặc đĩa phanh có thể bị cong, vênh hoặc mòn không đồng đều trên bề mặt. Ngoài ra thì nếu bề mặt trống phanh hoặc đĩa phanh bị bám bụi bẩn quá nhiều cũng có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Điều này rõ ràng nhất khi xe đang di chuyển ở tốc độ cao, vì khi đó các chi tiết quay này chịu lực tác động không đồng đều từ má phanh gây ra lực va đập lớn gây nên hiện tượng rung, giật.
Để khắc phục việc, kỹ thuật viên phải tháo đĩa phanh hoặc trống phanh ra, làm sạch, nắn lại nếu bị cong vênh.