Bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn (Thành viên của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Lâm sàng Anh Quốc, Chuyên khoa Dinh dưỡng Nhi, ĐH Worcester) chia sẻ về chế độ dinh dưỡng và tâm lý của trẻ trong dịp nghỉ lễ.
Chuẩn bị món ăn yêu thích của béNgày đầu năm mới, người lớn thường bận rộn với việc tiếp khách, chuẩn bị cho bữa cơm gia đình, ít thời gian chú ý đến bữa ăn của trẻ. Vì vậy, trẻ có nguy cơ nhận không đủ năng lượng và vi chất dinh dưỡng cần thiết.
Cha mẹ hãy chuẩn bị món ăn yêu thích để bé có thể tự thưởng thức như trứng. Hãy chuẩn bị món này thật đặc biệt như cơm cuộn trứng hoặc trứng cuộn tôm,... để trẻ biết ngày Tết cũng đặc biệt với bé. Điều này giúp con tập trung hơn trên bàn tiệc.
Bạn có thể hạn chế việc uống nước ngọt của bé bằng cách thay thế bằng sữa, cung cấp thêm năng lượng. Ngày Tết, bữa ăn thường có xu hướng giàu đạm và chất béo, trẻ có thể gặp nhiều vấn đề về tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu. Do đó, bạn nên cho bé dùng thêm sữa giúp bổ sung vitamin, khoáng chất.
Trẻ rất hứng khởi trong ngày Tết vì có nhiều người và trò chơi. Tuy nhiên, bạn cần cho bé ngủ đúng giờ hoặc thỏa hiệp: "Con chỉ được chơi thêm 30 phút nữa trong hôm nay thôi nhé!”. Tuy nhiên, ngày hôm sau bạn phải cho bé ngủ đúng giờ như thường lệ.
Khi đi du lịch, con có thể khó ngủ hơn vì lạ giường, bạn nên cùng trẻ về phòng sớm hơn 20 phút so với thời gian ngủ ở nhà để làm quen với nơi ở mới.
Bổ sung đầy đủ nướcUống nước đầy đủ sẽ giúp cơ thể trẻ hoạt động tốt và tránh hiện tượng mất nước. Mẹ nên để vài chai nước lọc đun sôi để nguội trong tủ lạnh thay vì nước ngọt. Ngoài ra, bữa ăn nên có canh, súp cung cấp thêm nước.
Khi đến nhà họ hàng, bạn cũng nên mang theo chai nước để khi trẻ cần uống có thể gợi ý: “Chai nước của con đâu rồi?". Trẻ tin rằng việc mẹ chuẩn bị chai nước là dành cho trẻ và dĩ nhiên sẽ có trách nhiệm uống nước khi cần.
Trẻ có thể bị nôn ói nếu bữa ăn không vệ sinh. Hãy bù nước sau khi trẻ ngừng nôn ói khoảng 15 phút.
Theo nhóm nghiên cứu của TS Birch L., ĐH Bang Pennsylvania, Mỹ, quá nhiều bánh kẹo và mứt có thể ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn của trẻ. Điều này làm giảm cảm giác thèm ăn và ảnh hưởng đến việc cung cấp đủ dưỡng chất trong bữa ăn của bé. Hơn nữa, một số bé có thể bị sâu răng sau ngày Tết vì ăn quá nhiều chất đường ngọt. Cha mẹ cần tìm những loại bánh kẹo có lượng đường thấp, giới hạn không quá 20 gram/ngày.
Trẻ lớn có thể thay thế mứt, bánh kẹo bằng những thực phẩm giàu chất xơ, chất béo tốt và vitamin như hạt điều, hạt bí, hạt hạnh nhân nhưng phải chú ý phòng ngừa trẻ bị hóc, sặc.
Khi trẻ bị hóc, sặc, cha mẹ sơ cứu bằng cách:
- Hai cánh tay của bạn ôm vòng trước ngực trẻ, một bàn tay nắm lại, bàn tay kia nắm lấy cổ tay của bàn tay nắm, để vào bụng trẻ tại vị trí trên rốn, dưới xương ức.
- Giật đưa người từ dưới lên, nhằm đẩy cơ hoành tống không khí trong phổi, khí quản, phế quản để dị vật bật lên miệng.
- Mỗi động tác cần mạnh, dứt khoát, làm đi làm lại 10 lần. Bạn cần theo dõi miệng trẻ, nếu dị vật xuất hiện, cần nhanh chóng lấy ra.
Duy trì một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối cho trẻ trong những ngày Tết rất quan trọng. Dù bận rộn, cha mẹ cũng cần đảm bảo một chế độ ăn uống, ngủ nghỉ cân bằng nhằm giúp trẻ có nguồn dinh dưỡng hợp lý, khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh tật, tránh suy dinh dưỡng hay tăng cân quá mức.