Tại Bangkok, "Harimau Malaya" (biệt danh của tuyển Malaysia) đã bị đội tuyển Thái Lan 2 lần vươn lên dẫn trước thì cũng 2 lần họ gỡ hòa. 25 phút hớ hênh trên “chảo lửa” Bukit Jalil họ đã bị trừng phạt bằng 2 bàn thua nhưng rốt cuộc một lần nữa họ cũng tìm ra thứ vũ khí đặc biệt để đánh bại một hàng phòng thủ nổi tiếng chắc chắn của Việt Nam.
Điều đó cho thấy, mọi chuyện không hề đơn giản trên sân Mỹ Đình khi lần thứ 3 hai đội tái đấu tại AFF Cup lần này. Đội tuyển chúng ta có 3 vấn đề tồn tại lớn đã bộc lộ ở các trận đấu vòng knock-out.
1.Điều gì đang xảy ra với hàng thủ giữ sạch lưới sau 4 trận vòng bảng? Xin trả lời ngay, đó là các tình huống bóng chết. Điểm lại 3 trận đấu ở vòng knock-out, tuyển Việt Nam đã thủng lưới 4 bàn thì 3 trong số đó đến từ các tình huống bóng chết. Đó là 1 bàn từ đá phạt trực tiếp, 1 bàn từ đá phạt gián tiếp, 1 bàn từ phạt góc.
Bàn còn lại đến từ một tình huống các cầu thủ chủ nhà Philippines xẻ biên trái, bất ngờ tăng tốc rồi tạt bóng vào trong, đòn đánh cơ bản nhưng nếu không chiếm lĩnh vị trí thuận lợi thì thủ môn Văn Lâm chỉ còn biết vào lưới nhặt bóng. Những lỗi cơ bản ấy nói thì dễ nhưng sửa sai thì không đơn giản chút nào, nhất là khi thời gian chuẩn bị cho trận lượt về không nhiều.
Có thể lý giải về điều này là do trình độ các cầu thủ Philippines, Malaysia cao hơn các đội vòng bảng. Điều còn lại thể lực của các cầu thủ Việt Nam nói chung và hàng thủ nói riêng đã giảm sút đáng kể sau 7 vòng đấu.
Đến giờ hàng phòng thủ của Việt Nam đang có thời gian thi đấu nhiều nhất tại AFF Cup lần này. Nhưng không thể không nhắc đến khả năng phòng thủ khu vực của đội tuyển Việt Nam đang có vấn đề.
Nên nhớ cả Philippines và Malaysia rất giỏi trong những tình huống cài người ăn vạ để kiếm các quả phạt trước khu vực 16,5m của Việt Nam. Không chỉ đội tuyển quốc gia mà U23 và Olympic Việt Nam đều từng “dính bẫy” này.
Trong rất nhiều năm qua, chúng ta đã nhiều lần thua các đối thủ trong khu vực, ngoài các cầu thủ Thái Lan quái lẫn Malaysia và Indonesia, dù chúng ta có khá nhiều hậu vệ đẳng cấp khu vực cỡ Hữu Thắng, Quốc Trung, Huy Hoàng.
2.Tâm lý thi đấu cũng là vấn đề không thể xem nhẹ, người hâm mộ đã thấy Duy Mạnh, Văn Hậu và thủ môn Lâm “tây” có những khoảnh khắc thiếu kiềm chế cảm xúc. Đến giờ thì chả ai dám khẳng định đá trên sân Mỹ Đình dễ dàng hơn sân Bukit Jalil. Sức ép từ bạn bè, người thân và hơi nóng của truyền thông Việt Nam đang đè nặng lên đôi chân các cầu thủ và họ cần phải tĩnh tâm, tránh bốc hỏa không cần thiết.
Chưa bao giờ người hâm mộ Việt Nam lại kỳ vọng nhiều đến thế. Khác hẳn Thái Lan, Philippines rời khỏi cuộc chơi thì báo chí của họ cũng hầu như chả đề cập nhiều. Điểm 23 tờ báo lớn nhất của Malaysia cũng không đề cập nhiều về kết quả 2-2 trên sân Bukit Jalil.
Nhưng truyền thông Việt Nam thì khác, từ khóa “đội tuyển” với các tên “Văn Đức, Quang Hải”... đang hót trên khắp mặt báo và mạng xã hội. Áp lực sau nhiều thất bại của các đội tuyển Việt Nam trong quá khứ lên vai cầu thủ là điều khó tránh khỏi.
3. Thể lực sụt giảm, đó là một thực tế. Đối với giải đấu kéo dài khoảng một tháng và có đến 8 trận đấu, chưa bao giờ là điều dễ dàng với các cầu thủ Việt Nam. Trình độ chúng ta chưa vượt hẳn tầm khu vực để có thể tự tin xoay tua cho các trụ cột nghỉ ngơi. Dễ nhận thấy Văn Đức, Duy Hậu và phần nào đó là cả Quang Hải đã đuối sức 15 phút cuối các trận đấu gần đây.
Bóng đá là môn thể thao mà thể lực chiếm một vai trò cực kỳ quan trọng. Thể trạng của các cầu thủ Malaysia như thế nào là điều chúng ta đã được kiểm chứng qua 2 lần đụng độ. Trình độ kỹ thuật các cầu thủ chúng ta nhỉnh hơn nhưng điều cần thiết lúc này là làm sao để có thể tạo hưng phấn và nền tảng thể lực cho 90 phút sắp tới là điều cực kỳ quan trọng.
Kinh nghiệm xương máu của các trận đối đầu với Malaysia trong quá khứ đã đúc kết bài học, việc lợi thế kết quả hòa 2-2 lượt đi bây giờ chỉ có ý nghĩa tham khảo. Sau trận cầu “thắng sớm, tý thua, rốt cuộc hòa” trên sân Bukit Jalil, chắc chắn ông Park Hang-seo còn rất nhiều việc phải làm!